Quân đội Pakistan được lệnh kiểm soát gần như hoàn toàn Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) do Bắc Kinh cung cấp tài chính. Hàng lang này là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 60 tỷ USD, với nhiều tuyến đường sắt, đường bộ, và đặc khu kinh tế đóng vai trò then chốt đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu của Trung Quốc.
Một dự luật tại quốc hội Pakistan sẽ trao cho quân đội nước này việc kiểm soát chặt chẽ đối với sáng kiến trên và các hợp đồng liên quan trị giá nhiều tỷ USD. Đây là một động thái nhằm tái bảo đảm với Bắc Kinh rằng các hoạt động đầu tư của họ sẽ trở nên an toàn hơn trước các cuộc tấn công của phiến quân Pakistan nhằm vào các kỹ sư Trung Quốc và những đối tượng khác hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Động thái mới nhất này cũng xuất hiện giữa lúc ngày càng có các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thoái vốn dần khỏi các cam kết tài chính ban đầu của họ đối với Pakistan trong đại dự án đầy tham vọng nói trên.
Giới truyền thông gần đây trích dẫn dữ liệu do các nghiên cứu viên Đại học Boston (Mỹ) tập hợp để lưu ý rằng tổng mức cho vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã sụt giảm từ mức đỉnh 75 tỷ USD vào năm 2016 xuống chỉ còn 4 tỷ USD vào năm 2019. Các con số thống kê sơ bộ về năm 2020 cho thấy mức trên của năm 2020 đã co ngót xuống chỉ còn khoảng 3 tỷ USD.
Việc “thắt lưng buộc bụng này” được cho là nhất quán với cái gọi là “chiến lược tái tư duy” của Bắc Kinh đối với dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1.000 tỷ USD mà hiện nay đang bị chỉ trích trên diện rộng do “các yếu kém về cấu trúc” bao gồm cả các vấn đề như độ minh bạch, tình trạng tham nhũng, việc chi quá nhiều cho các nước nghèo dẫn tới “bẫy nợ” và các tác động tiêu cực khác về xã hội và môi trường, theo nghiên cứu của Đại học Boston.
BRI được khởi xướng vào năm 2013 như một đại dự án của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông các mạng lưới thương mại trên bộ và trên biển. Một trong các mục tiêu quan trọng là tạo ra các tuyến đường mới để Trung Quốc có thể nhập khẩu an toàn các mặt hàng nhiên liệu chiến lược chủ yếu từ Trung Đông qua đường biển.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) đóng vai trò trọng yếu đối với mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là cung cấp một tuyến đường bộ thay thế cho tuyến đường biển của eo biển Malacca chật chội để Trung Quốc có thể nhập các mặt hàng nhiên liệu chiến lược. Giới phân tích an ninh dự báo Mỹ có thể sẵn sàng chặn eo biển này để bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện chưa rõ việc Trung Quốc giảm tiền đầu tư sẽ tác động thế nào lên CPEC nhưng vài dự án quan trọng liên quan đang bị đình lại hoặc chậm hơn so với tiến độ dự kiến do thiếu kinh phí. Trong tổng số 122 dự án CPEC được công bố, chỉ có 32 dự án là đã hoàn thành tính đến quý 3 của năm tài khóa.
Một số chuyên gia tin rằng cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Mỹ là một nhân tố đằng sau sự điều chỉnh chiến lược cho vay toàn cầu của Trung Quốc cũng như sự rút lui rõ ràng của nước này khỏi dự án hạ tầng khổng lồ ở Pakistan.
Một số chuyên gia khác thì tin rằng các vụ tham nhũng (đã được ghi lại bằng văn bản) bên trong các công ty Trung Quốc tham gia vào dự án CPEC, đặc biệt là trong ngành điện, đã thúc đẩy giới chức tài chính Trung Quốc cắt giảm mức chi tiền cho Pakistan.
Một điều tra gần đây do Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Pakistan tiến hành đã phát hiện các bất thường liên quan đến trên 1,8 tỷ USD trong khu vực điện lực, với 16 hãng (chủ yếu là Trung Quốc) trong CPEC được nhận trợ cấp quá mức và gây ra tổn thất tài chính lớn cho kho bạc quốc gia.
Trong khi đó, các phiến quân ở tỉnh Balochistan của Pakistan đã gia tăng hoạt động tấn công các dự án CPEC và các công dân Trung Quốc làm việc cho các dự án này, đẩy cao chi phí an ninh và rủi ro chính trị cho các dự án. Động thái của Pakistan trao cho quân đội nước này quyền kiểm soát dự án rõ ràng là một nỗ lực của họ làm xoa dịu nỗi lo của Trung Quốc về an ninh.
Một nguồn tin cấp cao giấu tên trong Bộ Kế hoạch Pakistan nói với tờ Asia Times rằng Trung Quốc đã cơ bản đồng ý cho phép Pakistan hình thành một cơ chế liên doanh mới với các công ty ngoài các xí nghiệp tư nhân hoặc quốc doanh của Trung Quốc để thúc đẩy tiến dộ dự án CPEC, trong đó có việc nâng cấp một tuyến đường sắt trị giá nhiều tỷ USD.
Nguồn tin cho hay: “Chúng tôi chắc chắn cần các nhà đầu tư nước ngoài để bơm tiền vào các siêu dự án CPEC bao gồm dự án 6,2 tỷ USD về khôi phục và nâng cấp tuyến tàu hỏa Karachi-Lahore Peshawar (ML-1) và một nửa số đặc khu kinh tế trên khắp đất nước này”.
Nhưng dự án ML-1 dài 1.872km và được ca tụng hết lời này hiện đang được triển khai với tốc độ rùa bò do Trung Quốc lưỡng lự cung cấp ngân sách cho dựa án. Trung Quốc cũng được cho là không hài lòng với quyết định của Pakistan cắt giảm chi phí dự án từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD do các khoản nợ đội lên.
Theo các nguồn tin, việc triển khai chậm các dự án CPEC trọng điểm do thiếu tài chính từ phía Trung Quốc đã được nêu trong một cuộc gặp tháng 11 giữa tân Đại sứ Trung Quốc Nong Rong và Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi ở Islamabad.
Trong cuộc họp, Qureshi nhấn mạnh nhu cầu kinh tế đòi hỏi hoàn thành nhanh các dự án CPEC vào thời điểm nền kinh tế Pakistan chao đảo do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, người đứng đầu ngành ngoại giao Pakistan nhấn mạnh tiến độ chậm chạp trong dự án đường sắt và dự án cảng Gwadar, nơi Trung Quốc đang xây dựng một sân bay quốc tế, xây một cơ sở khí hóa lỏng, và nâng cấp các cơ sở làm nơi trú ngụ cho tàu bè cỡ lớn.
Pakistan đã bị phía Trung Quốc thất hứa một số lần.
Tháng 11, Đường sắt Pakistan đã phải mời thầu ra toàn cầu cho dự án hiện đại hóa hệ thống đường sắt của mình, trong đó có việc mua 230 toa tàu hỏa tốc độ cao và 820 toa chở hàng hóa. Trung Quốc trước đó cam kết thực hiện công việc này trong khuôn khổ dự án ML-1 của CPEC.
Một phát ngôn viên của ngành đường sắt Pakistan tiết lộ rằng ban đầu 46 toa tàu hiện đại sẽ được mua thông qua đầu thầu quốc tế. Trong chặng 2, ông này cho hay, 184 toa tàu sẽ được đóng tại Nhà máy Toa tàu Islamabad.
Giới quan sát lưu ý rằng Pakistan lẽ ra sẽ không mời đấu thầu quốc tế nếu Trung Quốc thực sự quan tâm đến các hợp đồng này.
Mới đây Bộ trưởng Đường sắt Liên bang của Ấn Độ, Rasheed Ahmed, đã gặp Đại sứ Ai Cập Tarek Dahroug để thảo luận khả năng về một liên doanh khai thác các cơ hội đầu tư trong dự án ML-1. Rasheed nói rằng Pakistan sẽ hoan nghênh đầu tư của Ai Cập và hối thúc đặc phái viên của Ai Cập tác động lên các công ty tư nhân của Ai Cập để họ đầu tư vào dự án đường sắt này, bao gồm cả việc đầu thầu mua các toa hành khách và toa chở hàng.
Nếu Trung Quốc thực hiện đúng cam kết ban đầu trong CPEC thì họ sẽ phải xây và cung cấp tài chính cho ít nhất 8 đặc khu kinh tế ở cả 4 tỉnh của Pakistan cũng như ở Lãnh thổ Liên bang Islamabad, Khu vực Liên bang Cảng Qasam, và một khu vực nữa mà Pakistan gần đây tuyên bố là một tỉnh của họ. Còn có một đặc khu kinh tế sẽ được xây ở Gwdar.
Ngoài ra còn có 7 đặc khu kinh tế khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và hậu khả thi mà chưa đạt được sự phát triển cụ thể nào trên thực địa.
Cả Trung Quốc và Pakistan được cho là đang tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ tại các đặc khu kinh tế. Trước kia, Trung Quốc lưỡng lự trong việc mời các công ty không thuộc Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu này nhưng giờ tình hình đã khác khi nguồn tài chính cạn kiệt.
Tháng 11/2020, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan được phản ánh là đã tuyên bố rằng Bắc Kinh không dị ứng với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong “pha phát triển thứ 2” của các đặc khu kinh tế.
Ông này đưa ra nhận xét trên khi gặp gỡ Chủ tịch Ban đầu tư Atif Bokhari để thảo luận “hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ CPEC”.
Tương lai của CPEC bị u ám không chỉ bởi chính sách cho vay mới của Trung Quốc mà còn bởi việc Pakistan vay quá mức – tình trạng đã đẩy nhanh quốc gia Nam Á này tới bên bờ khủng hoảng nợ.
Tỷ lệ nợ của Pakistan trên GDP hiện nay ở mức cao là 107% GDP. Một số người cho rằng nếu mức nợ cao hơn có thể gây ra các mối quan ngại về an ninh quốc gia.
Viện Cải cách Chính sách (IPR) – một cơ sở nghiên cứu có trụ sở ở Lahore, gần đây công bố một báo cáo nói rằng “Pakistan đã trượt vào một bẫy nợ do chính quyền thất bại trong việc triển khai cải cách và do yếu kém trong quản lý tài chính”.
Báo cáo của IPR tổng kết: “Chúng ta đang ở trong một bẫy nợ do chính chúng ta tự tạo ra. Đây là mối nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Chính phủ vay tiền để trả nợ đến hạn – bây giờ có lẽ là mối quan ngại của tất cả các chính đảng, doanh nghiệp, và các chuyên gia”./.
Xem thêm:
>> Tân Chiến tranh Lạnh & Cân bằng sức mạnh trong Tam giác Trung Quốc-Ấn Độ-Mỹ
>> Thách thức mà Pakistan đối mặt khi rời xa Mỹ và gần gũi với Trung Quốc
>> Pakistan không còn mặn mà với Trung Quốc trong hợp tác kinh tế?