Ngay sau khi Thủ lĩnh Ismail Haniyeh bị ám sát, phong trào Hamas tuyên bố sẽ khiến Israel phải trả giá đắt. Về phía Iran, Giáo chủ Ali Khamenei thề trừng phạt Israel, khẳng định Iran có nghĩa vụ và trách nhiệm phải “báo thù cho tội ác” mà Israel gây ra trên lãnh thổ Iran. Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cũng đảm bảo "những kẻ tấn công khủng bố" phải “hối hận” vì hành vi này.
Israel ngay lập tức vào thế phòng thủ trước những đe đọa từ phía Iran. Giới chức Tel Aviv gấp rút lên kế hoạch sơ tán đến các hầm trú ẩn trước khả năng xảy ra chiến tranh, trong khi người dân Israel đổ xô vào siêu thị để mua đồ dự trữ.
Quân đội Israel cũng đồng thời triển khai các cuộc tuần tra trên không, tăng cường bảo vệ các sân bay và đường băng, kiểm tra đạn dược và nạp nhiên liệu. Tất cả các máy bay quân sự đều trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Theo Thiếu tướng, PGS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Công an, so sánh với cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Iran tại Syria hồi tháng 4, tính chất và hệ quả chính trị của vụ ám sát hai thủ lĩnh chính trị lần này lớn hơn nhiều.
“Tuy đã làm 7 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng nhưng suy cho cùng, vụ ném bom hồi tháng 4 vẫn nằm ngoài lãnh thổ Iran. Còn nhân vật thiệt mạng trong vụ ám sát mới đây là Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh – người được xem là “thượng khách” tại Thủ đô Tehran. Iran chắc chắn sẽ không dễ dàng bỏ qua một cuộc tấn công nhắm thẳng vào trung tâm chính trị của mình như vậy”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cảnh báo rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước sẽ tùy thuộc vào tính chất và mức độ mà Iran trả đũa Israel. Trong trường hợp Iran pháo kích vào lãnh thổ Israel như hồi tháng 4, đồng thời huy động thêm lực lượng Hamas ở Gaza, Hezbollad tại mặt trận biên giới giáp Lebanon và Houthi trên Biển Đỏ nhằm tổng tấn công từ nhiều phía, có khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng.
Về phía Iran, bị ràng bởi một thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), quốc gia này không được phép chế tạo các loại vũ khí như vậy. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran đã làm giàu uranium đến 60% và chỉ còn một bước tiến ngắn về mặt kỹ thuật để đạt mức 90% cấp độ vũ khí.
Hiện nay, tại Trung Đông, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Israel là quốc gia thứ hai sở hữu vũ khí hạt nhân. Số lượng vũ khí hạt nhân mà Israel đang sở hữu rất khó đoán định, tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, hiện có khoảng 80 đến 100 quả bom nguyên tử đang nằm trong kho vũ khí của Tel Aviv.
Chỉ trong vòng một tuần kể từ vụ ám sát hai thủ lĩnh cấp cao, nhiều quốc gia đã kêu gọi Israel-Iran hạ nhiệt căng thẳng, trong đó Mỹ. Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, Mỹ sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu bùng nổ một cuộc chiến tổng lực giữa Israel-Iran.
Về mặt an ninh đối ngoại, Israel được xem là một “chốt chặn” của Mỹ giữa Trung Đông, nhằm mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, đồng thời gia tăng ảnh hưởng của chính mình tại khu vực này. Kể từ năm 1948, Mỹ đã “rót” vào quốc gia Do Thái này khoảng 320 tỷ USD, gấp 100 lần khoản đầu tư cho Palestine.
Về mặt kinh tế, dù chỉ chiếm khoảng 10% dân số Mỹ nhưng người Do Thái đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của quốc gia này.
Tổng thống Joe Biden cùng Phó Tổng thống Kamala Harris đã lập tức có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ vài giờ sau vụ ám sát Thủ lĩnh chính trị Hamas Trong cuộc điện đàm, ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ an ninh của Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh "các nỗ lực đang diễn ra nhằm giảm leo thang căng thẳng trong khu vực", trong đó đề cập đến việc hỗ trợ phòng thủ của Israel trước các mối đe dọa như tên lửa đạn đạo, thiết bị bay không người lái, cũng như nhắc tới một đợt triển khai quân sự mới của Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Cương, những động thái trên của chính quyền đương nhiệm sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử năm nay.
“Áp lực của hơn 335 triệu cử tri Mỹ có thể sẽ buộc chính quyền đương nhiệm có động thái cứng rắn hơn nữa để ngăn xung đột Israel – Iran đi xa và tránh để Mỹ sa lầy trong cuộc chiến ở Trung Đông”, ông Lê Văn Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, Iran có thể là bên chịu thiệt thòi trong một cuộc chiến tổng lực với Israel. Dù có lợi thế hơn Tel Aviv về lực lượng bộ binh, nhưng với khoảng cách 1.800km giữa hai quốc gia, lợi thế này sẽ đánh mất tính hữu dụng. Điều đó buộc Iran cân nhắc đến phương án không kích bằng tên lửa và máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, Israel lại sở hữu hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) có khả năng tiêu diệt hầu hết mọi mối đe dọa từ bên ngoài lãnh thổ, bao gồm màn “mưa bom” của Iran trong cuộc tấn công hồi tháng 4 vừa qua. Đó là chưa kể, Israel đã có lời hứa của Mỹ trong việc viện trợ vũ khí nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ của nước này.
Theo nguồn tin từ Tạp chí Air & Space Forces, một phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, bao gồm các máy bay tàng hình F-22 Raptor, đang được điều động đến Trung Đông. Ngoài ra, Washington cũng tăng cường số lượng tàu chiến cho Bộ tư lệnh trung tâm ở khu vực này cũng như Bộ tư lệnh châu Âu gần đông Địa Trung Hải, duy trì sự hiện diện thường trực của ít nhất 12 tàu chiến trong bối cảnh căng thẳng Israel-Iran đang leo thang.
“Tôi nghĩ rằng là lãnh tụ Khamenei và những người nắm quyền lực ở Tehran cần phải tỉnh táo để đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhất trong bối cảnh hiện nay. Đừng để ngọn lửa hận thù che mờ mắt, làm nảy sinh một cuộc chiến tranh không đáng có trong khi một cuộc chiến khác vẫn đang diễn ra ở Gaza”, ông Lê Văn Cương nói.