Chỉ hơn 1 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ xuất hiện tại Diễn đàn Doha ở Qatar ngày 26/3. Phát biểu trực tiếp từ thủ đô Kiev, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới làm hết sức mình để giúp châu Âu đa dạng hóa nguồn cung nhằm cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.

"Các quốc gia có trách nhiệm, đặc biệt là Qatar... có thể đóng góp vào việc làm ổn định tình hình châu Âu", ông Zelensky nhận định, đồng thời cho biết những quốc gia này cần "tăng sản xuất năng lượng để khiến Nga hiểu rằng không quốc gia nào có thể sử dụng năng lượng làm vũ khí".

Ảnh: Reuters

Bài phát biểu của ông Zelensky tại Diễn đàn Doha cho thấy, ở một mức độ nào đó, cuộc xung đột ở Ukraine về bản chất đã ảnh hưởng tới toàn cầu. Trong khi yếu tố quân sự của cuộc xung đột chỉ diễn ra trên lãnh thổ Ukraine thì những tác động về kinh tế và địa chính trị của cuộc chiến đã lan rộng vượt khỏi quốc gia này.

Mỹ và châu Âu đã áp đặt những biện pháp trừng phạt chưa từng có lên Nga, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu trên toàn cầu như dầu mỏ và khí tự nhiên tăng vọt như một hệ quả của cuộc xung đột. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng Nga, khiến cho ông Zelensky phải tiếp cận Qatar cũng như các nhà cung cấp năng lượng khác nhằm giúp hỗ trợ đa dạng hóa nguồn cung khí đốt vào châu Âu, từ đó làm suy yếu ảnh hưởng chiến lược của Nga.

Tất cả những điều trên đã cho thấy bản chất liên kết với nhau của hệ thống toàn cầu và cách thức các mối liên kết này có thể bị chuyển hướng mạnh mẽ như thế nào do các cuộc xung đột, mà ở đây là cuộc chiến ở Ukraine. Những "dòng chảy" tài chính, năng lượng, vũ khí và thậm chí cả những dòng người tị nạn đều đang chịu tác động sâu sắc do xung đột Nga - Ukraine. Cuộc chiến này vì vậy đã định hình cấu trúc các dòng chảy kết nối thế giới, với việc Nga, Ukraine và phương Tây mỗi bên đều cố gắng định hình những dòng chảy này nhằm bảo vệ lập trường và mang về lợi ích cho mình.

Một điểm quan trọng là sự dịch chuyển các dòng chảy kết nối này có thể được coi như một minh chứng và báo trước cho sự dịch chuyển lớn hơn trong cấu trúc quyền lực toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine đã tác động đến các mối quan hệ quyền lực trên thế giới, thúc đẩy sự dịch chuyển sang trật tự thế giới đa cực, vốn đã diễn ra từ trước khi xung đột nổ ra.

Nga đang trực tiếp thách thức vị trí quyền lực toàn cầu của Mỹ và phương Tây ở Ukraine, trong khi các nhân tố khác, từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng gia tăng trong việc định hình cả hai bên xung đột, lẫn tác động rộng khắp của nó đến trật tự thế giới. Cấu trúc quyền lực toàn cầu vì vậy đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta. Việc các nhân tố trên thực hiện những nhu cầu cũng như chiến lược của mình có thể cho thấy những dấu hiệu của một trật tự thế giới ngày càng đa cực sẽ diễn biến như thế nào trong tương lai sau cuộc chiến ở Ukraine.

Khi phân tích đến cấu trúc quyền lực đang phát triển của thế giới trong mối liên hệ với cuộc chiến ở Ukraine, trước tiên cần bắt đầu từ Mỹ. Mỹ từng đóng vai trò là cường quốc toàn cầu có ảnh hưởng lớn nhất bởi nước này có nền kinh tế lớn nhất, quân đội mạnh nhất và vươn tới những nơi xa xôi nhất trên hành tinh, đồng thời nắm giữ quyền lực lớn đối với các hệ thống tài chính quốc tế. Để tiếp tục duy trì vai trò quyền lực này, Mỹ phải duy trì và gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu trong khi ngăn cản sự trỗi dậy của các cường quốc khác có thể thách thức tầm ảnh hưởng của Washington. Mỹ thực hiện điều này bằng cách sử dụng những công cụ kinh tế như các lệnh trừng phạt và các công cụ quân sự như can thiệp quân sự ở nước ngoài, trong khi tăng cường mở rộng những liên minh do Mỹ dẫn đầu như NATO.

Tuy nhiên, vị trí thống trị của Mỹ như một siêu cường duy nhất trên toàn cầu bắt đầu bị thách thức khi bước vào thiên niên kỷ mới sau vụ khủng bố 11/9, khi Washington sa lầy trong những cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cũng như dành quá nhiều sự chú ý và nguồn lực vào Trung Đông và Nam Á. Điều này đã mở ra cánh cửa cơ hội cho những cường quốc khác xuất hiện như Trung Quốc và Nga - khi cả hai nước này đều tập trung chủ yếu vào những vấn đề nội tại của mình.

Nổi lên như những nhân tố toàn cầu, cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách thách thức trật tự toàn cầu do phương Tây chi phối. Nga đã thông báo cho sự trở lại của mình như một cường quốc khu vực với chiến dịch quân sự ở Gruzia năm 2008 trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng năm đã cho thấy sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, cũng như "dọn đường" cho Bắc Kinh phát triển thành một nhân tố quan trọng trong thương mại và đầu tư toàn cầu.

Điều này đã đánh dấu sự dịch chuyển sang một trật tự thế giới ngày càng đa cực trong thập kỷ qua. Trong khi Mỹ vẫn duy trì là một cường quốc toàn cầu thì nước này cũng chứng kiến sự cạnh tranh lớn hơn từ những quốc gia như Nga và Trung Quốc. Nga tiếp tục những nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại những quốc gia từng thuộc Liên Xô. Trong khi đó, Trung Quốc với ảnh hưởng kinh tế gia tăng, đã thúc đẩy cạnh tranh với Mỹ tại những khu vực như châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Mỹ Latin, đồng thời tiếp tục tăng ảnh hưởng trong những tổ chức tài chính toàn cầu.

Cùng lúc đó, những nhân tố quan trọng khác như EU, Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi những lợi ích chiến lược của mình với việc một số quốc gia chọn đứng về phía Mỹ và những quốc gia khác không đưa ra lựa chọn như vậy.

Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, sự tiến bộ của những công nghệ chuyển đổi và đột phá cũng như sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 chỉ tăng cường bản chất đa cực của thế giới và sự phân tán quyền lực, cả về sự tập trung theo địa lý lẫn các chức năng của nó.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022 nên được đặt trong bối cảnh như sau: Nó không bắt đầu quá trình dịch chuyển sang thế giới đa cực mà là thúc đẩy quá trình đã diễn ra từ lâu này. Tuy nhiên, điểm mới và khác biệt ở đây là cách thức Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác đang nỗ lực để dịch chuyển sang thế giới đa cực theo mong muốn của họ.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine là một minh chứng cho thấy không chỉ số lượng các nhân tố có vai trò quan trọng trong định hình hệ thống toàn cầu gia tăng mà còn cả những cách thức phức tạp và đa dạng mà họ có thể tác động. Cụ thể hơn, điều này nhấn mạnh đến cách thức các cường quốc đang ngày càng sẵn sàng sử dụng sự kết nối chiến lược để đáp ứng các lợi ích của mình.

Nguồn: Reuters

Với Nga, quy mô và phạm vi chiến dịch quân sự chưa từng có ở Ukraine được coi là một phương tiện để ngăn Kiev liên kết với Mỹ và NATO. Sự can thiệp ban đầu của Nga vào Ukraine năm 2014 chỉ giới hạn ở Crimea và Đông Ukraine, cũng như sử dụng các phương tiện chiến tranh lai (hybrid warfare - được mệnh danh là chiến tranh thế hệ 5 - là một chiến lược quân sự sử dụng chiến tranh chính trị đồng thời với chiến tranh thông thường, chiến tranh bất thường và chiến tranh mạng - ND). Dường như Moscow chưa sẵn sàng vượt ra ngoài giới hạn để tấn công Ukraine hay thách thức phương Tây.

Tuy nhiên, hiện nay, điện Kremlin đang ưu tiên vấn đề liên kết an ninh khi tiến hành chiến dịch quân sự trực tiếp nhằm vào Ukraine – đồng thời làm suy yếu sự liên kết giữa Ukraine và phương Tây, cũng như phản đối lập trường của Mỹ. Ngoài ra, Nga không hành động đơn độc trong việc thách thức Mỹ và phương Tây ở Ukraine. Đồng minh của Nga - Belarus - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Moscow dẫn đầu và Liên minh Kinh tế Á – Âu, đã cho phép các lực lượng và vũ khí của Nga đồn trú trên lãnh thổ nước này. Điều đó được cho là vô cùng quan trọng với cuộc tiến công ở phía bắc của Nga nhằm vào Kiev. Minsk cũng ủng hộ lập trường của Nga về mặt ngoại giao khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố ủng hộ chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin cũng như những nỗ lực của Nga nhằm thách thức phương Tây.

Ảnh: Reuters

Vai trò của Trung Quốc cũng có ý nghĩa quan trọng với những nỗ lực của Nga nhằm thúc đẩy trật tự thế giới đa cực. Giống như Belarus, Trung Quốc ủng hộ Nga về mặt ngoại giao trong cuộc chiến ở Ukraine. Các quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ và NATO khi "khiến những rạn nứt giữa Nga và Ukraine đạt đến điểm giới hạn", đồng thời cáo buộc Washington sử dụng cuộc xung đột này để nỗ lực "kiềm chế Nga và Trung Quốc". Bắc Kinh cũng phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp lên Nga, trong khi Bộ trưởng Tài chính Nga khen ngợi Trung Quốc vì đã duy trì và tăng cường quan hệ kinh tế với Nga "trong một môi trường mà các thị trường phương Tây đang đóng cửa".

Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh có cùng mục tiêu với Moscow là làm suy yếu trật tự toàn cầu do phương Tây chi phối thì sự ủng hộ của Trung Quốc với cuộc xung đột của Nga ở Ukraine cho tới nay chỉ dừng lại ở đó. Bắc Kinh lo ngại tác động kinh tế toàn cầu nếu cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. Tập đoàn thương mại Huawei cũng đã dừng các hoạt động ở Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ. Trong khi Trung Quốc từ chối ủng hộ lập trường chống Nga của phương Tây thì Bắc Kinh cũng có những rủi ro lợi ích và nước này đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế để đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Nga vào bàn đàm phán.

Một nhân tố quan trọng khác trong cuộc xung đột Nga - Ukraine là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO nhưng nước này có mối quan hệ kinh tế và năng lượng chặt chẽ với Nga. Ankara cũng từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu. Cùng thời điểm, Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng sự liên kết an ninh để cung cấp các vũ khí quan trọng cho Ukraine như máy bay không người lái TB-2, và ủng hộ Kiev về mặt ngoại giao. Điều này đã làm tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Nga và Ukraine, đồng thời cho thấy mạng lưới mối quan hệ quyền lực phức tạp trong kỷ nguyên thế giới đa cực.

Ảnh: Foreign Policy Research Institute

Minh chứng cho thế giới đa cực phức tạp trong cuộc xung đột ở Ukraine còn thể hiện ở vai trò của Ấn Độ - quốc gia đã trở hành đối tác an ninh quan trọng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm chống lại Nga bởi New Delhi có mối quan hệ với Moscow về năng lượng và buôn bán vũ khí. Một sự phản ánh của trật tự thế giới đa cực là trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11/4, ông Modi đã không đưa ra cam kết với yêu cầu của Mỹ về việc Ấn Độ dừng nhập khẩu dầu mỏ Nga và giúp siết chặt ngành năng lượng Nga.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tiết lộ sự phức tạp của cấu trúc quyền lực thế giới. Mặc dù Mỹ từng chiếm vị trí chi phối trật tự toàn cầu nhưng hiện nước này phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn từ Nga và Trung Quốc, trong khi các nước được coi là đồng minh hoặc đối tác của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và thậm chí các nước EU như Hungary đã duy trì vai trò độc lập của mình trong cuộc xung đột. Đúng là phương Tây có thể sử dụng các công cụ kinh tế quyền lực như các lệnh trừng phạt để gây sức ép với Nga và mức độ NATO cung cấp vũ khí hay hỗ trợ hậu cần cho Ukraine là chưa từng có. Tuy nhiên, bản chất sâu xa chiến dịch quân sự gần đây của Nga tại Ukraine và tính toán của Moscow rằng Mỹ và NATO sẽ không can thiệp trực tiếp để ngăn xung đột là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy trật tự thế giới đa cực đang phát triển như thế nào.

Dĩ nhiên, ngay cả trong kịch bản vị thế toàn cầu của Mỹ được tăng lên sau cuộc chiến ở Ukraine và quyền lực của Nga suy yếu thì vẫn có những quốc gia khác như Trung Quốc phản đối lập trường của Mỹ và các quốc gia khác, từ Ấn Độ tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục duy trì con đường ngoại giao mang tính thực dụng của mình.

***

Trở lại bài phát biểu của ông Zelensky ở Doha, sau tất cả sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine trong cuộc xung đột này, Tổng thống Zelensky hiểu rõ NATO không thể sớm chấp nhận Ukraine trở thành thành viên và ông phải nhìn xa hơn bên cạnh sự hỗ trợ của phương Tây. Điều đó giải thích cho sự tiếp cận của ông Zelensky tới Qatar và các nhà sản xuất năng lượng khác tại Diễn đàn Doha để chuyển hướng dòng chảy năng lượng Nga khỏi châu Âu. Điều đó cũng giải thích tại sao ông Zelensky không chỉ tìm kiếm sự ủng hộ từ những đối tác truyền thống của Kiev tại Mỹ và châu Âu mà nhà lãnh đạo Ukraine còn kêu gọi sự ủng hộ từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và một số quốc gia khác. Tất cả những điều này cho thấy có nhiều nhân tố quan trọng có thể định hình cuộc xung đột ở Ukraine, trong khi cách thức họ tác động đến cuộc chiến này theo nhiều hình thức khác nhau đã phản ánh thế giới sẽ ngày càng đa cực như thế nào./.

Ảnh: Reuters

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Thứ Ba, 06:10, 26/04/2022