LOADING
PHẦN III: CHỮA LÀNH
Chứng kiến câu chuyện của A và N, thầy Tuấn Anh khẳng định, để chăm sóc, bảo vệ, nuôi dạy trẻ em, hai yếu tố rất quan trọng là gia đình và nhà trường. Trong đó, gia đình là trụ cột.
Hiện nay, việc chia sẻ của học sinh với thầy cô giáo và bố mẹ ở lứa tuổi này rất hạn chế. Điều nguy hại nữa là khi các em không chia sẻ với bố mẹ, với thầy cô thì các em lại sử dụng mạng xã hội để tạo ra các nhóm kín.
Những xung đột ngoài đời của các em đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội, bố mẹ thầy cô rất khó nắm bắt.
Kể cả khi thầy cô giáo nhận ra vấn đề và mời cha mẹ học sinh hợp tác thì cũng xảy ra nhiều tình huống. Có gia đình hợp tác, nhưng cũng có trường hợp không hợp tác và cho rằng đây là việc riêng của gia đình. Một số cha mẹ nhận thức theo khía cạnh khác là muốn giấu đi những điểm mà con em mình chưa hoàn thiện, hay do bận rộn vì miếng cơm manh áo mà xao nhãng con cái, và với tư duy phó thác hoàn toàn cho nhà trường.
Có gia đình hợp tác, nhưng cũng có trường hợp không hợp tác và cho rằng đây là việc riêng của gia đình
Đây là lý do thầy Tuấn Anh công khai số điện thoại ở cổng trường, từ đó tư vấn về tâm lý cho học sinh, tư vấn cho bố mẹ học sinh qua tin nhắn, qua các cuộc gọi hay có thể đến gặp trực tiếp mình tại trường.
Khi hết giờ, tôi nhận được điện thoại của một em học sinh nói rằng: “Thầy ơi sắp có đánh nhau to ngoài biển” và thông báo rõ tên 2 nam sinh này, thầy Tuấn Anh kể lại.
Tôi đạp xe ra biển và thấy có hàng trăm học trò đang cổ vũ cho 2 nam sinh này
Thấy thầy đến, các em học sinh lại giả vờ như đang vui chơi. Tôi đã gọi đích danh hai học sinh này đến để giải tán học sinh và các em cũng cầm cặp đi về theo 2 ngả. Nhưng tôi biết rằng sự việc sẽ không dừng lại đơn giản như vậy.
Tôi đã gọi điện cho Công an phường để thông báo sự việc. Khi tôi quay lại thì đã thấy lực lượng công an dẫn giải 2 bạn về phường. Khi đó, một bạn có dao và một bạn có chai bia đập vỡ chuẩn bị đánh nhau.
Lực lượng công an đã ngăn chặn được kịp thời và mời hai gia đình đến giải quyết. Đây là vụ việc ngăn chặn thành công.
Điện thoại của thầy Tuấn Anh vẫn còn lưu lại rất nhiều tin nhắn của các em học sinh “mách thầy” từ việc trêu chọc nhau đến mách bạn này thích bạn kia…
Mỗi tin nhắn, mỗi cuộc gọi, thầy Tuấn Anh đều lưu tâm để có thể trực tiếp tư vấn cho các em hoặc thông tin để thầy tổng phụ trách nói chuyện với các em. Vì vậy, các bạn học sinh dễ dàng chia sẻ với thầy hiệu trưởng hơn.
Nhiều sự việc, mâu thuẫn của các em rất vụn vặt, nhưng nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng và để lại hậu quả đáng tiếc có yếu tố kích động của đám đông, rất nguy hiểm.
“Có người đánh lại, có người cổ vũ, người thì quay video lại. Với trẻ con như vậy sẽ càng hăng máu lên mà không hề biết đến hậu quả. Chỉ một thời gian ngắn, nhất là sau khi các đoạn video đánh bạn vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, các em đều có những sang chấn nhất định về mặt tâm lý.
Những đoạn video đó là một phần “ký ức đen” của tất cả các học sinh. Do vậy cần phải ngăn chặn việc đăng tải lại các video này, để ký ức này không bị đánh thức”.
Trong câu chuyện này, lời giải được tìm thấy trong câu chuyện của A khi em có được sự quan tâm, sẻ chia, yêu thương từ thầy cô và gia đình.
Em đã nhận thức được những hành động sai trái với bạn và được như ngày hôm nay là nhờ sự yêu thương, quan tâm của bố mẹ và thầy cô
Môi trường có thể thay đổi một con người!
Tổ chức sản xuất
Chỉ đạo nội dung: Tuyết Yến - Phạm Hòa
Phóng viên: Nguyễn Trang - Lê Hoàng
Biên dịch: Hữu Bình
Đồ hoạ: Mỹ Anh
Lập trình viên: Đức Dk
Thiết kế UX: Uyển Hương
Đơn vị
Báo điện tử VOV.VN - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)