Khi các tranh chấp là vấn đề nổi cộm ở Biển Đông, có rất nhiều ví dụ về các thỏa thuận quản lý nghề cá, khai thác dầu khí… có thể giúp ích cho các cuộc đàm phán về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Nhưng câu hỏi cơ bản là liệu Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ thiện chí nào để đạt được thỏa thuận như vậy hay chưa? Suốt hơn 20 năm qua, câu trả lời chỉ là không.
Cách đây hơn 1/4 thế kỷ, ý tưởng về COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á đề cập nhưng đến nay, bộ quy tắc này vẫn chưa ra đời sau gần 30 năm “thai nghén”.
Ngày 22/7/1992, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế để tránh làm cho tình hình căng thẳng thêm, khuyến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á để làm cơ sở xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đến ngày 21/7/1996, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhóm họp tại Jakarta, Indonesia lần đầu tiên tán thành ý tưởng về việc phải có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước có yêu sách. Ý tưởng này được cho là phản ứng của ASEAN trước việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn [ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV] trước đó một năm rưỡi.
Tiếp đó, việc xây dựng COC được lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức ở Hà Nội (tháng 7/1998). Đầu năm 1999, trên cơ sở dự thảo của Philippines và Việt Nam, ASEAN đã nỗ lực thảo luận về COC và đến cuối năm đó, Hiệp hội đã thống nhất được dự thảo chung của COC để đàm phán với Trung Quốc. Đầu năm 2000, hai bên bắt đầu tiến hành thương lượng về dự thảo COC. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã từ chối đàm phán nên việc xây dựng COC gặp nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào bế tắc.
Để tìm lối thoát và duy trì hòa bình, an ninh trên Biển Đông, tháng 11/2002, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tổ chức ở Campuchia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây được xem như một biện pháp thỏa hiệp tạm thời, bước đầu tạo ra môi trường chính trị có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông sau này.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc ngày càng tỏ ra mạnh bạo hơn trong việc đòi hỏi các yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông, từ các tuyên bố đến hành động trên thực địa, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển thường xuyên bất ổn và tiềm ẩn nguy cơ tiềm tàng về xung đột quân sự. Điều này cho thấy sự thật là, DOC không có mấy hiệu lực thực tế.
Trước tình hình trên, tại Hội nghị cấp cao ASEAN (tháng 11/2011) ở Indonesia, lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí tham vấn nội bộ về COC và quyết định thành lập Nhóm công tác trong khuôn khổ cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) ASEAN để bàn thảo xây dựng văn kiện chỉ đạo về các nội dung chính của COC.
Tháng 9/2012, bên lề kỳ họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Indonesia đã chủ động đưa ra dự thảo văn kiện COC và nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số nước. Tháng 11/2012, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc ở Campuchia, lãnh đạo các nước ASEAN đã đề nghị Trung Quốc công bố quyết định khởi động tiến trình đàm phán COC. Đáp lại đề nghị đó, Trung Quốc đã cử đại diện tham gia và tỏ ý sẵn sàng tham vấn với ASEAN về COC. Song, với các lý do, như: “thời cơ chưa đến”, “chờ thời điểm thích hợp”… một lần nữa, Bắc Kinh lại khước từ việc bàn vào những vấn đề chi tiết của COC.
Theo chuyên gia Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, tất cả các bên đã cam kết đàm phán COC khi ký DOC vào năm 2002. Tuy vậy, do sự chậm trễ của Trung Quốc, đàm phán đã không được tiến hành cho đến năm 2014. Và Trung Quốc đã không nghiêm túc với tiến trình này cho đến khi Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết năm 2016 về vụ kiện do Philippines khởi xướng, cho rằng các yêu sách của Bắc Kinh đối với “các quyền lịch sử” trong cái gọi là đường 9 đoạn” bao trùm 80% diện tích Biển Đông không được pháp luật công nhận.
Bằng cách thể hiện sự nhiệt tình hơn đối với tiến trình COC, Trung Quốc có thể chuyển hướng sự chú ý khỏi việc nước này tuân thủ phán quyết năm 2016 và củng cố câu chuyện rằng Trung Quốc và ASEAN đang tích cực quản lý tranh chấp mà không cần các nước khác, đặc biệt là Mỹ can thiệp.
Trong ba năm tiếp theo, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được ba cột mốc quan trọng.
Vào tháng 8/2017, các bên đã đồng ý về một bản khung một trang để hướng dẫn các cuộc thảo luận trong tương lai. Một năm sau, các bên đã thông qua một Văn bản Dự thảo Đàm Phán Duy nhất (SDNT) dài 19 trang, trong đó có nội dung đệ trình của mỗi bên trong số 11 bên về những gì COC nên được tính đến. Vào tháng 8/2019, các bên đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên (dự kiến tổng cộng ba bản) nhằm hợp nhất SDNT và bổ sung các đề xuất mới.
Bước tiếp theo là đàm phán về bản dự thảo thứ hai, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên không có cuộc họp nào được tổ chức trong suốt năm 2020.
Đến tháng 8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ rằng đã đạt được thỏa thuận về phần mở đầu của Bộ quy tắc.
Diễn biến trên bàn đàm phán là vậy, nhưng trên thực địa, Trung Quốc vẫn không ngừng có những động thái hòng khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự ổn định lâu dài, và “sự hiểu biết” giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang trở nên mong manh.
Phía Trung Quốc nói rằng họ và các nước ASEAN đang tích cực thúc đẩy tham vấn về COC “với những tiến bộ lớn” nhưng dường như quan điểm này không được tất cả các nước trong ASEAN chia sẻ.
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) trả lời phỏng vấn của VOV.VN nhận định: “Các quan chức Trung Quốc bắt đầu nói về triển vọng của một COC nhanh chóng kết thúc vào năm 2017. Đơn giản vì đây là một cách hữu ích để giảm bớt những lời chỉ trích và chuyển hướng dư luận về thất bại của họ trong vụ kiện do Philippines khởi xướng.
Nhưng cũng kể từ đó, không có thay đổi thực sự nào và cũng chẳng có bất kỳ sự sẵn sàng thỏa hiệp cần thiết nào để có thể thực sự hoàn thành đàm phán COC. Tiến trình đàm phán trong 5 năm qua không khác hơn là nhắc lại những điều mà ASEAN đã nhất trí với nhau 20 năm trước trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”./.