Nhưng cũng cùng năm đó, Trung Quốc bắt đầu biến 7 bãi đá ngầm mà nước này chiếm giữ trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ quân sự khổng lồ. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đã sử dụng viễn cảnh ký kết COC như một đòn bẩy chiến lược, quá trình đàm phán kéo dài đã chuyển hướng sự chú ý của các nước liên quan trong khi Bắc Kinh tranh thủ củng cố các mục tiêu của mình.

Tháng 11/2018, phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN và đối tác ở Singapore trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc hy vọng các cuộc đàm phán về COC sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới. Không có nhà quan sát nào tin rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực.

Đến thời điểm hiện tại, các nhà đàm phán vẫn đang làm việc với Văn bản Dự thảo Đàm phán Duy nhất (SDNT) – một bản dự thảo được đánh giá là dài dòng và vẫn chứa đựng quan điểm của các bên liên quan. Như chuyên gia Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đã lưu ý, “bước tiếp theo sẽ là khởi đầu của các cuộc đàm phán thực sự về những gì nên giữ và những gì nên loại bỏ và đây chính là giai đoạn gây tranh cãi nảy lửa”.

Giáo sư – Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định với VOV.VN: “Những gì ASEAN mong muốn rất khác so với những gì mà Trung Quốc muốn. Trong khi ASEAN muốn có một bộ quy tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS thì Trung Quốc muốn đạt được một tuyên bố về các nguyên tắc mơ hồ nhưng loại trừ được sự hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông của các nước lớn, chẳng hạn như Mỹ và Nhật Bản…

Có chung quan điểm với Giáo sư – Tiến sĩ Buszynski, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling chỉ rõ: “Trung Quốc coi tiến trình đàm phán COC là một cách hữu ích để giữ cho ASEAN đối thoại và ngăn các bên tranh chấp theo đuổi các con đường quản lý tranh chấp theo hướng quốc tế hóa hoặc theo những cách có thể làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh. Về bản chất, Trung Quốc không có ý định ký kết bất kỳ COC nào mà thực sự làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Nhưng ở chiều ngược lại, ASEAN thực sự coi tiến trình đàm phán COC là quan trọng và mong đợi vào sự nhượng bộ từ tất cả các bên. Sự khác biệt trong đích đến chính là nguyên nhân khiến các nước ASEAN phải liên tục thất vọng khi đàm phán lặp đi lặp lại trong suốt hai thập kỷ nhưng không thu được kết quả”.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia về luật quốc tế, nếu các nước đều có cùng một cách đánh giá về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phối hợp với nhau trong thực hiện DOC thì đã không cần đến đàm phán COC. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy hai bên có rất nhiều khác biệt. Hiện Trung Quốc muốn Biển Đông là vùng biển của riêng các nước trong khu vực, do đó, hoạt động của các công ty dầu khí nước ngoài, các hoạt động diễn tập quân sự không được hoan nghênh. Tuy nhiên, tàu thuyền của Trung Quốc lại xâm phạm thềm lục địa của các nước khác, đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài đã có những hợp đồng hợp pháp trên vùng thềm lục địa của các nước ven Biển Đông.

“COC sẽ hiệu quả hơn nếu tất cả các bên coi đây là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này sẽ tạo ra sự chắc chắn và cung cấp một cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng cho các trường hợp vi phạm. Mặc dù vậy, để nhất trí về một tài liệu ràng buộc pháp lý sẽ không hề dễ dàng”, ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia luật quốc tế và an ninh hàng hải thuộc Đại học Indonesia nhận định.

Xây dựng văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế là mục tiêu luôn được các nước nhắc đến nhưng “phù hợp với luật pháp quốc tế” được các chuyên gia đánh giá là một trong những tiêu chí khó đạt được nhất trong đàm phán hiện nay.

“Tôi không nghĩ Trung Quốc thực sự lưu tâm đến việc COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không. Khái niệm “ràng buộc pháp lý” sẽ chỉ là vô nghĩa nếu không có cách nào để dung hòa những khác biệt trong cách diễn giải và nếu những từ ngữ về phạm vi địa lý và chi tiết về quản lý tài nguyên mơ hồ đến mức không thể thực thi được”, Ông Poling nêu quan điểm.

“Trung Quốc sẽ phản đối bất kỳ ràng buộc nào về mặt pháp lý mà muốn xây dựng COC dựa trên cái mà họ gọi là lòng tin giữa các quốc gia. Nếu không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào, Trung Quốc sẽ có thể xác định các mối quan hệ riêng lẻ với từng nước thành viên trong ASEAN theo các điều kiện riêng. Luật pháp mang lại sự rõ ràng và dễ dự đoán, nhưng với những gì đang diễn ra thì tiến trình đàm phán COC đang không chắc chắn và khó có thể đoán trước.

Phải xây dựng được COC có sự ràng buộc về mặt pháp lý thì mới có cơ chế để thực thi, đây là cách duy nhất. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận điều này. Nếu không có định nghĩa rõ ràng hơn về các hành vi chịu sự điều chỉnh của COC thì bộ quy tắc này sẽ chỉ trở thành một tuyên bố chung chung về các nguyên tắc mà có rất ít ý nghĩa”, ông Buszynski cảnh báo.

Khi Trung Quốc tham gia UNCLOS 1982, nước này có lẽ không nghĩ đến khả năng một ngày nào đó họ bị khởi kiện. Nhưng khi đã tham gia và bị kiện rồi thua cuộc thì Trung Quốc thậm chí còn muốn thay đổi UNCLOS theo hướng có lợi cho mình. Với một nước lớn như Trung Quốc, họ không muốn bị ràng buộc điều gì. Chỉ có những nước nhỏ mới cần sự ràng buộc pháp lý rõ ràng.

Hình ảnh chi tiết các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông trong năm 2015 và 2016. Nguồn: CSIS/AMTI

Điểm này gây ra nhiều hệ quả. Trung Quốc đang giải thích, áp dụng sai lệch luật quốc tế có lợi cho mình. Hành động đó sẽ kích thích chủ nghĩa dân tộc và làm giảm vai trò của luật quốc tế, đồng thời gây ra sự bất ổn trên biển khi Trung Quốc cho mình quyền có tất cả ở Biển Đông.

“Theo quan điểm của Bắc Kinh thì luật quốc tế tốt nhất nếu luật đó bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không phục tùng sự can thiệp của bất kỳ cơ chế pháp lý độc lập nào giải quyết các vấn đề mà họ vấp phải bởi vì sợ những hậu quả trong nước. Nếu COC không ràng buộc về mặt pháp lý thì quan hệ giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN sẽ không cân xứng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nói tóm lại, Trung Quốc phản đối việc áp dụng luật pháp quốc tế vì điều này sẽ kiềm chế quyền lực của họ”, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia trả lời phỏng vấn của VOV.VN.

Giáo sư Thayer nói thêm: “Với cách tiếp cận như hiện nay thì động lực chính của Bắc Kinh là ràng buộc các quốc gia ASEAN với Trung Quốc và loại trừ sự can dự của các cường quốc bên ngoài theo thỏa thuận về COC. Trung Quốc muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC để gây áp lực buộc các thành viên ASEAN phải nhượng bộ trong khi khiến cho các cường quốc khác cảm thấy mọi chuyện liên quan đến COC đã an bài”.

Việt Nam luôn nhất quán quan điểm muốn tiến tới sớm đạt được COC chất lượng, tổng thể, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Tuy nhiên, đứng trước tình hình thực tế đàm phán COC không hề đơn giản, chúng ta phải làm gì để có thể có được một COC tốt? Đây là một câu hỏi hóc búa đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ càng./.

Thực hiện: Hùng Cường, Hoàng Lê, Kiều Anh

Thứ Năm, 06:33, 27/01/2022