Tình hình Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
VOV.VN - Tình hình Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các quốc gia cần tìm cơ chế hợp tác để đảm bảo an ninh trên Biển Đông và khu vực.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đang diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu, trong đó gần 60 học giả quốc tế cùng hơn 20 đại diện của 15 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến mới đáng chú ý, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 là cơ hội để các học giả nghiên cứu Biển Đông hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin, đánh giá về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông; đồng thời thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Trong hai ngày hội thảo có 7 phiên thảo luận ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ chính trị, ngoại giao tới luật pháp, nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng thúc đẩy hiểu biết và hợp tác ở Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là nơi chịu những tác động bất lợi từ những diễn biến không thuận lợi ở Biển Đông. Tình hình Biển Đông thời gian qua có những biểu hiện đáng lo ngại, cạnh tranh nhiều khi lấn át hợp tác, luật pháp quốc tế có lúc có nơi không được tôn trọng. Ở Biển Đông, không chỉ có vấn đề hòa bình, ổn định, mà cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, sinh kế của các cộng đồng ven biển, và tính bền vững của hệ sinh thái đại dương.
Theo ông Lê Thanh Quang, tình hình Biển Đông đang đặt ra những thách thức mới: "Căng thẳng ở Biển Đông tạo ra nhiều tâm lý lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư và du lịch của tỉnh. Ảnh hưởng đến kế sinh nhai của ngư dân khi đánh bắt hải sản ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tại các ngư trường truyền thống. Tình hình Biển Đông hiện nay, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này, các cơ chế cần thiết để duy trì trật tự và pháp luật trên biển".
Có 60 học giả quốc tế tham dự hội thảo.
Nhiều nhà nghiên cứu Biển Đông cho rằng, trong năm qua, căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hoá ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động.
Phó giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, các nước liên quan về Biển Đông cũng có những cách nhìn nhận khác nhau về vai trò của luật pháp quốc tế, diễn giải khác nhau về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi quốc gia.
"Trong những năm tới, các khác biệt này sẽ tiếp tục làm cơ sở cho các bất đồng, tranh chấp. Nhất là trong bối cảnh chuyển giao quyền lực và tái cơ cấu quyền lực đã, đang và sẽ diễn ra. Tình hình ngày càng phức tạp ở Biển Đông, đòi hỏi những phân tích kỹ lưỡng, đề xuất thiết thực, giúp các bên liên quan duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Công tác nghiên cứu tuy có tiến bộ nhưng sự phát triển của tình hình thì còn nhiều yếu tố bất ngờ đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu", PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng đề nghị./.