Cơ hội để Việt Nam tăng số lượng loài hổ

Phần lớn số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam bị suy giảm, vì vậy, để bảo vệ loài hổ này khỏi tuyệt chủng, hành động khẩn cấp.

Ngày 29/7, tại Hà Nội, diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Hổ thường niên lần thứ hai với các hoạt động nâng cao nhận thức và hội thảo nhằm mục đích ủng hộ việc bảo tồn hổ và kêu gọi ngăn chặn nạn buộn bán hổ trái phép.

Trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ sống sót ngoài tự nhiên. Từ năm 1900 trở lại đây, số lượng hổ đã giảm tới 95% trong khi sinh cảnh của hổ giảm đến 93%.

Sự suy giảm này phần lớn là do săn bắn trái phép, buôn lậu hổ và các bộ phận cơ thể của hổ, ngoài ra còn do mất sinh cảnh sống và quần thể các loài thú mồi của hổ.

Việt Nam là một thị trường nóng về buôn bán hổ trái phép do cao hổ và rượu ngâm từ các bộ phận của hổ đang ngày càng được ưa chuộng, do những công dụng được cho là có thể chữa bệnh mặc dù chưa được y học kiểm chứng một cách chính thức.

Loài hổ trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: KT)

Ông Nick Cox- Quản lý Chương trình về Các khu Bảo tồn, Loài và Buôn bán Động vật Hoang dã của WWF-Greater Mekong cho biết: “Loài hổ đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Phần lớn số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã bị suy giảm và đến nay chỉ còn khoảng vài chục cá thể ngoài tự nhiên. Vì vậy, để bảo vệ loài hổ này khỏi tuyệt chủng, hành động khẩn cấp bây giờ là chặn đứng nạn buôn bán hổ trái phép trong nước và xuyên biên giới cũng như nâng cao nhận thức để hạn chế dùng trong nước”.

Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ ở Việt Nam sẽ tập trung vào giảm thiểu nhu cầu về sản phẩm từ hổ và quảng bá hoạt động bảo tồn hổ ngoài tự nhiên, bao gồm triển lãm tranh, phim về hổ, trò chơi đối thoại cho trẻ em và tổ chức hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia và các nhà quản lý để thảo luận về tiến trình bảo tồn hổ hiện nay và các bước thực hiện tiếp theo.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn- Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học-Tổng cục Môi trường Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ để có thể bảo tồn loài hổ. Bảo tồn loài hổ và sinh cảnh của chúng là bảo tồn sự đa dạng, phong phú của loài và hệ sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường- Bộ TN&MT Nguyễn Thế Đồng cho biết, Việt Nam cam kết tham gia và tăng cường ủng hộ các cơ chế khu vực và toàn cầu và các hợp tác song phương, đa phương khác về bảo tồn hổ nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

Thay mặt Bộ TN&MT, Phó Tổng cục trưởng Phạm Thế Đồng kêu gọi các tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo tồn thiên nhiên, tăng cường thực thi pháp luật về đa dạng sinh học và phòng, chống các hành vi khai thác buôn bán, tiêu thụ trái phép loài hoang dã.

Ngay sau Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ, vào ngày 2-4/8 tới, các chuyên gia quốc tế đến từ 13 nước có hổ sẽ tham dự một hội nghị ở Hà Nội để thảo luận về việc triển khai Chương trình tăng số lượng hổ toàn cầu ngoài tự nhiên, một kế hoạch tổng thể nhằm mục đích nhân đôi số lượng hổ trong tự nhiên trước năm 2022.

Lễ kỷ niệm do Tổng cục Môi trường Việt Nam tổ chức với hỗ trợ của WWF, TRAFFIC, và Sáng kiến Hổ Toàn cầu (GTI) – một liên minh các chính phủ, các cơ quan quốc tế, và khu vực tư nhân cùng nhau hợp tác để bảo vệ hổ khỏi sự tuyệt chủng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên