Bệnh "phong trào", "chiến dịch" và ..."cao điểm"

(VOV) - Thực hiện các phong trào theo lối làm lấy được, làm nhân các ngày kỷ niệm được ghi trên lịch...

Mấy hôm trước sáng nào cũng được chứng kiến cảnh đoàn viên thanh niên cầm cờ đuôi nheo điều khiển giao thông bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, tận tình dẫn người già qua đường.

Thú thực nhìn những hành động như vậy thấy cuộc sống nhân ái hơn, bớt đi những dằn vặt buồn thương với đầy rẫy lọc lừa đểu cáng phơi ra hàng ngày hàng giờ trên mặt báo.

Thế nhưng, mấy hôm nay lại không thấy bóng dáng áo xanh tình nguyện ấy đâu nữa. Có lẽ sinh viên nghỉ hè? Không phải! Hỏi ra mới biết “Tuần lễ nâng cao an toàn cho người đi bộ, 6-12/5” nên đoàn viên sinh viên làm ví dụ thế thôi.

Thú thực nghe tin này tôi không lấy làm lạ, nhưng buồn. Buồn chẳng phải người già không có ai dẫn qua đường, vì từ lúc trẻ mỗi người Việt Nam đều phải trau dồi kỹ năng băng qua đường; buồn chẳng phải vì vỉa hè lại chật ních xe, vì người Việt ta chen chúc quen rồi.

Buồn nhất là kiểu làm phong trào ấy ngộ nhỡ nó ngấm vào cách nghĩ, cách làm của lớp trẻ thì nguy. Các em là tương lai của cả dân tộc này cơ mà.

(Ảnh minh họa)


Những năm gần đây, “phong trào” có thêm vài biến thể ngôn từ nữa như “chiến dịch”, “cao điểm”, “đợt ra quân”…, tức là làm rầm rộ vài hôm rồi lại lắng xuống.

Chẳng nói mọi người cũng biết hiệu quả của những phong trào ấy như thế nào.

Tôi nghĩ cách làm dấy lên một hoạt động nào đó (phong trào) không có gì xấu nhưng nhẽ ra các nhà quản lý nên xem hiệu quả thế nào để quyết định có triển khai tiếp hay không.

Trong bối cảnh thời chiến, khi cần huy động tổng lực để thực hiện gấp rút một việc gì đó trong thời gian hạn định thì phong trào chứng tỏ thế mạnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, mọi việc khi làm đều cần yếu tố bền vững thì làm theo lối phong trào đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Thực hiện các phong trào theo lối làm lấy được, làm nhân các ngày kỷ niệm được ghi trên lịch, làm khi sự việc đã ở ngưỡng báo động, dư luận bức xúc… nên đã nảy sinh tình trạng đánh trống bỏ dùi, bắt cóc bỏ đĩa, được chăng hay chớ, coi thường pháp luật; thiếu căn cơ, thiếu bài bản và không có hệ thống.

Nói phong trào thì phải nói tới thi đua. Nhiều lúc, nhiều nơi phong trào chính là con đẻ của thi đua, nhưng cũng chẳng loại trừ thi đua để phục vụ cho phong trào, là nội dung của phong trào.

Thi đua bản chất là tốt, là cần thiết, nhưng cách thi đua của chúng ta hiện nay hình như đã lỗi thời, thậm chí nó còn đẻ ra những quá thai.

Thi đua là tạo động lực để cá nhân, tập thể vươn thoát khỏi chính mình, hướng tới mục tiêu cao hơn. Vì thế, cái động lực ấy phải là động lực nội tại của cá nhân, với đầy đủ các yếu tố tự giác, tự nguyện, tự thân, nhưng xem ra hiếm hoi lắm, vì “phấn đấu” và “cơ cấu”, ở ta, hình như là hai phạm trù luôn mâu thuẫn?./.

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên