Blog Thóc: Ba Sương-Người anh hùng không nhà

Bị thanh tra rồi điều tra, là bị can trong vụ án “lập quĩ trái phép”, sau một đoạn trường đeo đuổi chống án, công luận tốn không biết bao nhiêu là giấy mực…giờ đây không biết bà ra sao?

Đã 5-6 năm tôi mới có dịp quay lại khu vực Nông trường sông Hậu, khi Đài TNVN kỷ niệm 15 ngày khánh thành Đài phát sóng Phát thanh VN2, một đài có công suất phát sóng lớn nhất, hiện đại nhất trong hệ thống kỹ thuật phát thanh của Việt Nam. Đến nay, theo các chuyên gia trong ngành, nó vẫn là một  đài phát thuộc loại lớn nhất thế giới, một công trình thể hiện tầm tư duy chiến lược của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên mặt trận thông tin, truyền thông đối nội và đối ngoại.

Để xây được VN2 là cả một quá trình gian nan, vất vả (tôi xin được kể kỹ hơn vào một dịp khác), các nhà kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã đi khảo sát khắp ĐBSCL tìm địa điểm phù hợp. Và có một sự trùng hợp thú vị, nông trường sông Hậu nổi tiếng lại là địa điểm lý tưởng nhất để đặt đài phát sóng này. Lúc ấy, đất trồng lúa  được bảo vệ rất nghiêm ngặt, mà đây lại là một vùng trọng điểm lúa của ĐBSCL, cho nên, có phần nhờ thái độ ủng hộ rất nhiệt thành của Anh hùng Trần Ngọc Hoằng, thường gọi là ông Năm Hoằng (Giám đốc Nông trường sông Hậu lúc đó, người cũng có quan hệ rất thân thiết với ông Võ Văn Kiệt), Thủ tướng mới quyết cho lấy ra chừng 3ha đất lúa để đặt VN2 tại đây.

Đài VN2

Và để tri ân Thủ tướng, công trình này dù thuộc nhóm A1, trị giá khoảng 34.000 tấn thóc theo giá thời đó (được quyết cùng với dự án xây nhà ga  hàng không quốc tế Nội Bài) nhưng đã được xây dựng và lắp đặt xong chỉ trong vòng 1 năm, đúng vào thời điểm ông Võ Văn Kiệt hoàn thành nhiệm kỳ Thủ tướng!

15 năm qua, công trình sừng sững này đã phát huy hiệu quả chính trị-xã hội rõ rệt. Nổi lên giữa cánh đồng lúa vàng, cây trái xum-xuê, kênh rạch hiền hòa là những cột ăng ten cao vút, đêm ngày truyền đi Tiếng nói Việt Nam đến khắp vùng châu thổ, vượt cả qua biển Đông, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đến với bạn bè quốc tế.

Trên đường vào thăm Đài VN2, tôi đã miên man nghĩ về công trình này, nghĩ về những người trực tiếp và gián tiếp góp phần xây dựng nên nó, nghĩ về tầm cao của nó… Và tôi không thể không nghĩ tới anh hùng Trần Ngọc Sương, con gái anh hùng Trần Ngọc Hoằng, người phụ nữ có một cuộc đời sóng gió.

Sau khi về hưu, bị thanh tra rồi điều tra, là bị can trong vụ án “lập quĩ trái phép”, sau một đoạn trường hơn bốn năm đeo đuổi chống án, khiến công luận tốn không biết bao nhiêu là giấy mực…giờ đây không biết bà Ba Sương ra sao?

Mấy đồng nghiệp đàn anh giục tôi gọi bà, và tôi bấm máy. Sau mấy hồi chuông dài, tôi lại nghe chất giọng manh mảnh, yếu yếu của bà. Bà reo lên khi nhận ra người quen cũ. Đã lâu bà không dám dùng số máy trước đây, nhất là sau khi vụ án được đình chỉ, báo chí, người quen bỗng đâu gọi bà nhiều quá, mà bà thì không muốn tiếp xúc, không muốn nói thêm điều gì công khai về vụ án này…

Hóa ra bà không sống ở Cần Thơ. Không có nhà, bà đang ở nhờ nhà người em dâu tại quận Bình Thạnh, TP. HCM.

Bà Ba Sương hiện đang ở nhờ nhà người em dâu tại TP HCM.

Bà Ba Sương sinh năm 1949, tuổi cầm tinh con trâu, mệnh tích lịch hoả,  tuổi này nhiều người làm rất to, tạo dựng được sự nghiệp lẫy lừng, hoặc chí ít cũng có một cuộc đời nhiều…sấm sét, khiến kẻ khác phải vị nể.

Khác với giai đoạn theo án, bà Ba có vè khỏe và vui hơn. Chi phí trong thời gian qua khiến bà Ba Sương gần như khánh kiệt,  bà đã phải bán đất rồi vay thêm của bạn bè, ngót nghét cũng cỡ hai tỷ bạc, đến giờ vẫn còn nợ nần nhiều. Điều khiến bà day dứt nhất là mấy em mấy cháu vì liên lụy mà bị bắt giam, tuy cuối cùng đã được thả ra nhưng cũng chịu lắm nỗi gian truân bầm dập… “Còn người , còn của, ráng làm rồi trả nợ dần em ạ!”.

Nơi bà ở nhờ là một căn nhà nằm trong hẻm, cô em dâu có nhã ý bố trí tầng trệt để bà mở một hiệu tạp hóa, tạo thêm việc làm cho mấy cháu nhỏ, đặng cũng kiếm đồng ra đồng vào, thêm vào khoản lương hưu tròm trèm 6 triệu/tháng.

Để vượt qua được hoạn nạn vào đúng lúc nghỉ hưu, tưởng như đã “hạ cánh an toàn”, theo bà Ba Sương, là sự vào cuộc của báo chí và công luận, “đặc biệt là các nhà báo chân chính, những người có lương tri (gạch chân câu này nghe em)...”. Tuy vậy tôi biết, tiếng kêu quyết liệt, không mệt mỏi có lúc gần như tuyệt vọng của bà đã kinh động đến trời xanh. Nghe đâu, đã phải có sự can thiệp ở tầm rất cao thì vụ án mới được đình chỉ.

Quyết định đình chỉ vụ án  này cũng như một dấu chấm lửng để đó. Nó khiến chúng ta phải suy tưởng rất nhiều về sự đúng-sai, tốt-xấu, về niềm tin sắt đá mà cha con bà Trần Ngọc Sương, hai người anh hùng từng được Nhà nước vinh danh, đã đánh đổi và hiến dâng cả cuộc đời họ.

Có những điều mà ngày hôm qua là một giá trị, một chuẩn mực, thì đến hôm nay có khi lại không phải như thế nữa. Cuộc sống luôn luôn đổi thay, người khôn ngoan thường biết thích nghi hoặc biết nương theo thời thế. Bi kịch hoặc là những điều kỳ vỹ có lẽ thường được tạo ra bởi những người có cá tính mạnh mẽ, chấp nhận những cuộc  “sống – còn”  như họ. 

Bà tin vào luật nhân - quả. Bà không phiền trách ai. Nếu được làm lại, có lẽ bà sẽ nghĩ cho mình nhiều hơn, làm cho mình nhiều hơn.

Giờ đây, tôi thấy bà Ba Sương đã tìm lại được niềm vui và năng lượng sống mới. Bà lại đang xúc tiến mở một xưởng chế biến hoa quả tươi đóng hộp xuất khẩu ở Đồng Nai. Trong câu chuyện dài tưởng như không bao giờ dứt của bà lại là đầy ắp những kế hoạch, dự định…Những dự định, theo tôi, chẳng hợp lắm với tuổi 64 của bà.

Bà tin vào luật nhân - quả. Bà không phiền trách ai. Nếu được làm lại, có lẽ bà sẽ nghĩ cho mình nhiều hơn, làm cho mình nhiều hơn và vẫn sẽ tìm mọi cách giúp những người nông dân nghèo mưu cầu một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bà đã tâm sự như thế khi lưu luyến tiễn chúng tôi ra đầu ngõ. Giờ đây, luôn quấn quýt bên bà là một cô gái phổng phao, đó chính là đứa con nuôi mà bà đã nhận bao bọc từ bé. Có lẽ cô bé sẽ giúp bà vơi đi nhiều hưu quạnh trên chặng xế tà của đường đời.

Chia tay bà rồi, tôi lại nhớ cảm giác man mác buổi chiều hôm trước khi rời sông Hậu, đi qua cầu Cần Thơ, cây cầu lớn nhất ĐBSCL, ở dưới kia, bao năm qua dòng nước vẫn thao thiết chảy. Như là cuộc sống, biết bao câu chuyện, bao nhiêu cuộc đời  đã bị dòng thời gian mải miết cuốn đi. Chẳng biết,  nhiều năm nữa hay là xa hơn thế, liệu có còn ai nhớ đến hay kể lại câu chuyện về ông Năm Hoằng và bà Ba Sương nữa hay không./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên