Blog Xíu: Cái ghế… lắm chuyện(!)

Việc chọn ghế thể hiện gu, cũng có khi thuyết minh phần nào tính cách mỗi người...

Ở nhà, bà tôi có một cái ghế mây nhỏ kiểu của trẻ con. Bất cứ lúc nào, sinh hoạt gia đình, xem tivi, ngóng các cháu về..., bà đều ngồi ở cái ghế giản dị đó. Bà bảo bà quen rồi, không thích ngồi cái ghế khác. Nhiều lúc tôi cứ thầm hỏi, bà là người nhiều tuổi nhất trong nhà sao lại ngồi chỗ khiêm tốn thế? Ở nhiều gia đình, người ta còn phân biệt "mâm trên mâm dưới" cơ mà. Thế nhưng mấy chục năm trời, bà vẫn ngự ở cái ghế đó, lâu đến mức nước mây cứ bóng muốt.

Từ chỗ bà ngồi, biết bao câu chuyện buồn vui, biết bao bài học đạo lý, nếp ăn nếp ở cứ nhẹ nhàng cất lên thấm vào năm tháng. Hồi nhỏ, tôi cũng có một chiếc ghế mây nhìn tựa cái ngai be bé. Bố vẫn buộc nó trước xe đạp để chở tôi dạo phố. Sau này lớn lên, những chuyến xê dịch, được ngồi các kiểu ghế khác nhau càng thấy quý những điều giản dị. Lắm hôm từ chiếc ghế tiệc cao sang bước xuống ngồi phệt chiếc ghế bụi góc vỉa hè chợt hiểu thêm những nỗi niềm, những vẻ đẹp mà đôi khi mình hờ hững bước qua...

Thời hiện đại, chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi. Ngành thiết bị nội thất có dịp đưa ra nhiều mẫu ghế đẹp. Ghế phong cách Á Đông thì cầu kỳ đường viền, chạm trổ rồng phượng; ghế theo gu phương Tây thì đơn giản vuông vắn, tối giản chi tiết; rồi ghế văn phòng, ghế gia đình, ghế biệt thự, khách sạn..., thôi thì đủ loại đa dạng, phong phú chất liệu, kích cỡ, màu sắc. Mỗi nơi lại kiểu cách khác nhau. Ghế hàng cà phê khác ghế hàng phở; ghế quán phở lại khác ghế quán bia tươi... Cầu kỳ lắm.

Rồi lên xe xuống ngựa phải ngó nghiêng chứ không đại khái được. Xe công cộng thì cứ số vé mà ngồi. Còn xe công sở thì lại phải để ý chỗ nào của sếp, chỗ nào của quân. Và cũng tuân thủ tôn ti trật tự như vậy lúc ngồi họp, ngồi dự tiệc chiêu đãi... Đúng là không đơn giản chỉ là cái chỗ ngồi.

Tôi nhớ câu chuyện của một nhà ngoại giao nhiều năm bôn ba làm đại sứ. Chuyện rằng: một nữ đại sứ người Nga thì phải, một lần được nước sở tại mời tiệc, họ bố trí bà ngồi ở một góc bàn. Theo nghi thức ngoại giao, đó không phải là chỗ của bà; phép lịch sự thì góc bàn cũng không nên bố trí để phụ nữ ngồi. Nữ đại sứ tỏ thái độ bằng cách đố quan khách dự tiệc một câu đố. Đố rằng "Giữa hai chân tôi lúc này là cái gì?". Chủ nhà ngượng chín mặt không dám trả lời. Nữ đại sứ nhẹ nhàng: "Các vị đừng nghĩ xa xôi, giữa hai chân tôi lúc này là cái chân bàn". Chủ nhà bấy giờ mới ngã ngửa, bèn sửa sai bằng cách mời bà sang một vị trí khác...

Việc chọn ghế thể hiện gu, cũng có khi thuyết minh phần nào tính cách mỗi người... Với nhiều người, ghế đơn thuần chỉ là vật dụng để ngồi. Nhưng với nhiều người khác, nó lại là chỗ thể hiện đẳng cấp. Ghế của nhân viên nhỏ thôi, không tay vịn, chắc vì "đội quân lìu tìu" này phải thay đổi xoành xoạch vị trí làm việc, nên cấu tạo như thế để hất văng ra ngoài cho nó dễ. Ghế lãnh đạo càng to càng chắc chắn, có tay vịn như ngai, oai phong quyền uy. Thế mới có chuyện một bác sếp về hưu rồi nhưng yêu cái ghế của mình quá bèn đem khoá xích khoá chân ghế lại, không cho người kế tục sử dụng.

Cái ghế thuần tuý để ngồi mà lạ sao lắm người mê thế. Thực ra nhu cầu, khát vọng của con người là vô hạn. Điều đáng nói là mỗi người đã thực sự ngồi đúng chỗ của mình hay chưa. Chứ ngồi không đúng ghế phiền toái lắm. Người nhỏ mà ngồi ghế to thì lọt thỏm; người to quá mà ngồi ghế nhỏ thì bất tiện vô cùng.

Lại có những người ưa ngồi nhầm ghế. Ở trên máy bay, nhiều chuyến vắng khách, có người thấy chỗ đẹp là ngồi đại vào, đến khi nhân viên kiểm tra mới lộ ra là cố tình ngồi sai ghế; ở rạp hát cũng vậy, số ghế trên vé một đằng mà nhiều người cứ giả vờ ngồi một nẻo; ở trường học có cả những trường hợp ngồi nhầm lớp nữa...

Hồi công tác trong miền Tây Nam bộ, tôi thấu hiểu thêm nhiều lẽ. Trong sinh hoạt, bác nào thích "hoành tráng" đôi khi cũng mệt. Có bác đi đâu cũng ngồi lên bàn đầu; vô nhậu ở vườn cứ thích được giới thiệu là lãnh đạo, thế là hứng trọn hàng chục ly rượu mời; trong khi có bác sếp mới lấy bằng lái xe nên thích ngồi ôm vôlăng thành ra phải ngồi ở mâm tài xế vì nhà chủ cứ ngỡ "cán bộ đường lối". Thôi thì oai phong giảm nhưng lại thoát rượu. Mừng hú vía. Chiếc ghế nhỏ bé mà lắm chuyện ghê...!

Ở Huế, dịch vụ đắt hàng nhất, thu hút đông du khách nội địa nhất có lẽ là dịch vụ mặc áo bào, ngồi ngai vàng của vua để chụp ảnh. Chứ tour đi cày, cuốc đất trồng rau vùng ngoại ô thì chỉ thu hút các ông tây bà đầm muốn thử làm nông dân. Xứ ta, ai cũng muốn được một lần làm vua xem sao. Niềm mơ đó có trong nhiều gia đình, họ thửa những chiếc ghế ngồi trông hao hao như cái ngai của vua, thậm chí dát vàng phô bày sự giàu có.

Bà tôi mất đã lâu. Tôi còn nhớ câu chuyện bà kể về một vị vua bỏ ngai vàng, tháo mũ, cởi áo xuất gia thanh nhàn cõi Phật. Đời nhẹ như mây qua đỉnh núi. Trong khi tôi lại hay nằm mơ thấy chiếc "ghế-ngai" cỏn con ngày thơ ấu. Vẫn biết chỉ là mơ mà vẫn cứ mơ... Lạ thế!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên