Blog Xíu: Cái phong bì và sự Minh bạch

Từ chuyện cái phong bì cho đến việc kê khai tài sản thấy hai từ minh bạch trong từ điển và ngoài thực tế có một khoảng cách vời vợi.

Cái phong bì sinh ra là để phục vụ ngành bưu chính, gắn với những lá thư, con tem chất chứa bao nỗi niềm. Từ khi email chiếm lĩnh đời sống tinh thần, cái phong bì phần lớn phục vụ công tác “ngoại giao” thay cho lời thưa gửi và thiết thực hóa lời cảm ơn, sự mến mộ... 

Thế cho nên rất khó phân biệt đâu là chính, đâu là tà, đâu là sáng, đâu là tối. Trong gia đình, ngày sinh cha mẹ, ngày tết..., thôi thì gọn nhẹ, chúng con gửi bố mẹ chút tình cảm trong phong thư này để bố mẹ tiết kiệm thêm chi tiêu cho tuổi già. Bố mẹ nào mà lại từ chối tấm lòng các con. Nhưng có ông con biết bố mẹ sắp héo rồi, đang chuẩn bị viết di chúc chia đất đai, tài sản, bèn tỏ ra săn đón một cách khác thường... để lấy điểm những mong dòng di chúc thật đẹp, thật tươi dành cho mình.  

Ngoài xã hội, nhan nhản quan hệ “đồng tiền đưa trước”. Ở bệnh viện, bác sĩ nhiệt tình hơn khi được “chào hỏi” bằng chiếc phong bì; cảnh sát giao thông có tiền mãi lộ là hủy ngay vé phạt; các công ty tung tiền lót tay để tìm cơ hội trúng thầu... Rõ ràng, những hành vi này khác xa với những cử chỉ cảm ơn một cách thiết thực. Bác sĩ tận tình cứu sống người bệnh, gia đình cảm tạ; cảnh sát giao thông làm hết trách nhiệm giải tỏa nhanh xe chở hàng bị tai nạn, doanh nghiệp đa tạ bằng tiền thưởng cho cá nhân và tập thể. Vậy có khác gì việc cấp trên thưởng nóng cho chiến sĩ lập công; ông bầu bóng đá tung tiền tỉ cho một trận thắng then thốt. Chả có một luật lệ nào cấm đoán mục đích này.  

Vẫn biết thật không hay khi cái gì cũng phải quy ra tiền, bởi nói như nhà thơ Nguyễn Duy thì “nợ không giả được bằng tiền, đau chưa!”. Nhưng rõ ràng chúng ta rất khó phân định rạch ròi cái ranh giới mỏng manh đó. Ngay cả công tác thi đua khen thưởng của ta cũng còn nhiều khâu phải cải tiến. Người được khen không cảm thấy vinh dự bởi cái kiểu khen mặt trận, thưởng cơ cấu, thôi thì có chút tiền thưởng còn hơn không. Và cái tư duy “tiền tươi thóc thật” đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực chứ không chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp ngoài xã hội. 

Khi mà từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, đồng tiền đã trở thành công cụ để phục vụ “bôi trơn” các mối quan hệ, để “hóa giải” những ca phức tạp; hay chỉ đơn thuần là thay cho một lời cảm tạ, sự tôn vinh, khen tặng...thì thật khó để mà phân biệt cũng như ngăn chặn nạn phong bì. Đó là chưa kể những hình thức khó lường hơn, kiểu như đi đêm, đổi chác trơn tru, “sạch sẽ” ít lưu lại dấu vết. Đó là mức độ tinh vi hơn chiếc phong bì dù sao cũng chỉ tầm tầm phục vụ lối trao tay đơn giản. 

Và điều này liên quan đến sự minh bạch. Nhớ lại những năm tháng bao cấp khó khăn, những nhà có điều kiện thường phải giấu nhẹm nguồn gốc của mình. Ăn ngon mặc đẹp phải thậm thà thậm thụt, kín đáo như hoạt động tình báo vì sợ hàng xóm phát hiện. Bây giờ nhiều cái lồ lộ ra trước mắt chả cần phải giấu bởi người ta đã biết “che đậy” bằng nhiều cách. 

Nhiều nhà cửa, công trình, tài sản của các quan chức, lãnh đạo lộ thiên trên đất đai khó che giấu, đang tự kê khai “minh bạch” về nguồn gốc của chúng. Bất cứ một công dân bình thường nào cũng đều định giá được những khối tài sản khổng lồ, huống hồ các ban ngành thanh kiểm tra. Mới đây, công luận đã lên tiếng và đặt câu hỏi về sự minh bạch nhà cửa, đất đai, tài sản của một số lãnh đạo địa phương. Và câu trả lời vẫn chỉ là sự vòng vo, né tránh.  

Không hiểu những bản kê khai tài sản trong hồ sơ đảng viên đã được “trình diễn” ra sao? Để thấy việc kê khai tài sản trong cán bộ đảng viên hiện nay còn thực hiện chiếu lệ. Vẫn biết đây là biện pháp để phòng chống tham nhũng nhưng thực sự nó đang được triển khai không hiệu quả. Trừ những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì bị truy nguồn gốc tiền bạc, tài sản. Còn lại đều khai cho qua, cho xong một thủ tục phải có.  

Từ chuyện cái phong bì cho đến việc kê khai tài sản thấy hai từ minh bạch trong từ điển và ngoài thực tế có một khoảng cách vời vợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên