Blog Xíu: Long nhong tháng Giêng

Đi để nếm cho đủ, kẻo phí sự đời.

1. Phòng máy lạnh lâu ngày, nghĩ tới long nhong mà ngại. Một buổi chờ xuân ngồi mãi, nhìn mãi ngang dọc con phố, mới thấy cuộc đời còn rộng dài lắm. Tội gì giam mình vào bốn bức tường lạnh.

Đi khoái nhất là bầu bạn, thứ nữa là ăn uống. Ăn để thưởng, uống để thơ, không phải chỉ mỗi no. Ăn là “bách nhân bách khẩu”, nhân tâm tùy thích, không nên bắt bẻ. Cụ Tản Đà phán: “Món ăn ngon, người cùng ăn không ngon, không ngon-Món ăn ngon-đồ dùng không ngon, không ngon-Món ăn ngon, chỗ ngồi không ngon, không ngon”.

Sinh thời, nhà văn Băng Sơn tóc bồng như mây, một đời văn gắn với ẩm thực dân dã, nối gót Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… viết về những món thật khó tả bằng chữ nghĩa. Ông Băng Sơn tự nhận mình “bảo thủ”, không thích ăn ở khách sạn, chỉ khoái món quê, đại loại như rau bí xào tỏi, nõn khoai sọ kho cá, canh riêu cua cà pháo…“Những món đó chỉ hợp những nơi nơi cu cũ một chút, bàn ghế xộc xệch một chút mới khoái”.

Bún ốc ăn cùng con bún nhỏ, ngồi ăn sang trọng trong khách sạn tây kể cũng vô vị thật. Phải phệt xuống vỉa hè như ở góc Ô Quan Chưởng mới hợp. Còn bún thang không có vị cà cuống, ông ví như “người không có hồn”.

Bà Ngọc Trai, người lập nên quán Huế giữa lòng Hà Nội, mách nước: “Món Huế đặc sắc ở cách pha chế tinh tế, dung hòa âm dương, xu hướng trở về với thiên nhiên. Ăn ở khách sạn chưa chắc gặp hương vị Huế”.

Vào Huế nên lọ mọ những quán bình dân kiểu như quán Mũ Đỏ bên cầu Đông Ba, quán Lạc Thiện của một gia đình người mù đầu cổng Thượng Tứ, hoặc về Vỹ Dạ nương theo hồn thơ của thi sĩ họ Hàn tới các gánh bánh canh đặc Huế. Không gian đó nuôi nấng phần hồn của Huế.

Chắc những nơi mộc mạc đó hợp với gu ẩm thực của ông Băng Sơn. Đi nhiều, được mời nhiều nhưng ông ngại những bữa tiệc thừa thãi. Lúc đó, ông thường nghĩ tới bài thơ “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du có câu: “Trong này bàn tiệc ê hề. Các quan viên không ai động đũa-Ngoài cửa kia có người chết đói”. Xem ra cách ăn cách uống cũng là cách sống, là phép tắc, không đùa được. Các cụ xưa dạy, chớ vục đầu mà ăn là thế.

2. Cái ăn, cái mặc ở vùng nào tất yếu thuyết minh cho bản sắc vùng đó. Mỗi vùng có những đặc sản riêng như mọc lên nhờ khí đất, khí trời. Cá Anh Vũ tiến vua sao chỉ thấy loanh quanh vùng sông nước Phú Thọ, mà cũng hiếm lắm. Bạn bè trên đó rình mãi để thết nhau mà chẳng bao giờ đến lượt. Nhiều nơi ở Lào Cai nấu rượu San Lùng nhưng chỉ có bản San Lùng Thượng tít tắp núi cao mới là chuẩn mực nhờ nguồn nước hiếm…

Đi để nếm cho đủ, kẻo phí sự đời. Nhưng phải thừa nhận nhiều món mới ăn chưa quen thấy ngài ngại như thắng cố của người Mông, thịt chuột mấy vùng ven Hà Nội…

Hôm vào Đồng Tháp, nhăn mặt nhăn mũi chén liều miếng thịt chuột đồng nướng, rồi tợp chén rượu đế cho đỡ run. Thế mà sau thấy ngon, thấy nghiền nghiện mới lạ. Hay như món trứng kiến miền núi, nghe qua chợt hoang mang, nhưng nhai kỹ thấy bùi bùi, thơm thơm, ngẫm ngợi thấy đích thị là thứ đồ nhậu thú.

Ở miền núi nhiều món mới ăn thì sợ. Nhưng hạp rồi, lâu lâu không được nếm láp cũng thấy thèm. Đi để ngẫm về cách ăn uống khác nhau của mỗi vùng, mỗi con người như một phong tục. Miền núi thì chẳng ai mang thìa dĩa, khăn ăn, bơ sữa lên đó làm gì. Cũng đừng mang theo một gương mặt đạo mạo xa xôi.

Một hôm, ở Trà Lĩnh, một huyện giáp biên tỉnh Cao Bằng, gặp một ông người Mông uống rượu, ca hát lừng lững. Ngoài 50 mà da dẻ hồng hào, cơ bắp cuồn cuộn. Phòng ở có mấy cái lọ thủy tinh đựng dăm thứ nước đặc sánh-ông gọi là “rượu tiên”. Lên miền núi, cái anh này là đặc sản…

Mường tượng đến những quán rượu ven núi dọc đường đi, chênh vênh dãy tủ dài cơ man toàn rượu bổ, có cái nét huyền bí, sương khói, thấp thoáng như trong thiên truyện Thủy Hử xứ Tàu. Gia tài của ông người Mông nhỏ thôi nhưng ông bảo, đi mấy ngày núi mới kiếm được những rễ cây rừng, những lá lẩu chịu không luận nổi giống gì. Mỗi thứ chỉ rót khẽ chút xíu mời khách quý. Chả biết thế nào, uống cái đã, thế mà thơ thới, gân cốt giãn ra, tỉnh ráo như chưa hề say xe say rượu (!).

Xem ra mình chẳng là gì trước thiên niên vạn đại, núi non dài rộng. Chợt nhớ câu lắng cảm thú vị của thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”.

3. Nhắc tới nếp ăn nếp uống của các cụ ta xưa mà thấy bái phục. Thời bây giờ, “fast food”, cơm hộp, cơm đĩa ầm ầm mà túc tắc thưởng ngoạn như các cụ thì gay. Nhưng nghĩ kỹ, như thế mới sướng cái “con tì con vị”.

Cụ Nguyễn Tuân nói ăn phở chỉ ăn phở giừ (nhừ-chín), chứ không ăn tái, cho cả hành tây, chần trứng gà như bây giờ. Bún riêu thuần chất không ăn với giò, thịt bò phá vị riêu như nam thanh nữ tú thời nay.

Rồi cách mời, cách ăn thế nào, các cụ đều dạy con cháu chi li. Trà, rượu đều có văn hóa riêng. Khi người Nhật tự hào mang trà đạo ra khoe, liệu họ có biết người Việt ta cũng có một nghệ thuật trà không kém phần tinh tế. Hãy thử đọc lại những đoạn văn của cụ Nguyễn thì rõ.

Rượu thời nay không hiểu du nhập từ đâu cái văn minh “dzô trăm phần trăm”, các cụ biết mắng vào mặt chứ chẳng bỡn. Một nhà nghiên cứu mỹ học quen biết rộng giới văn nghệ sĩ kể, các cụ uống rượu thú lắm, mỗi người một phong cách. Như danh họa Dương Bích Liên hay uống rượu suông, đồ nhắm là… những bức tranh, trong giới gọi là “nhắm tranh”, vừa uống, vừa say những mảng màu… Rồi nhà mỹ học trầm ngâm “giờ nhiều gã cứ tưởng làm nghệ sĩ là phải say khướt suốt ngày… Thế mới dở!”.

Chúng ta đang có một mảng văn hóa để chọn lựa và giữ gìn những gì tinh tế nhất. Nhiều người quan tâm đến văn hóa cho rằng: “Đó là một việc lớn của các bà nội trợ. Và của bất cứ ai còn biết quý trọng nâng niu tính cách dân tộc mình, địa phương mình”.

Bôn ba vời vợi mấy tầng trời, cao lương ngũ vị xứ người, ngoảnh nhớ bữa cơm gia đình, khó quên những món nghèo “mắm tôm mắm tép”, “râu tôm ruột bầu”. Đi nhiều để được nếm đủ ngọt bùi cay đắng. Trong tiết xuân mưa rắc phơn phớt trên hàng lá nõn, khi cỗ bàn không ai buồn động đũa, bỗng nhớ bát riêu cua góc phố đầu buổi sớm.

Để muốn long nhong đi, rồi lại phải trở về. Cứ thế một vòng, khi năm bắt đầu từ tháng Giêng, kết thúc bằng tháng Chạp./.                                                     



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên