Công khai điểm số và sự hoàn hảo của học trò
VOV.VN -Khi không lấy sự hoàn hảo làm chuẩn mực và thước đo thì các em cũng sẽ nhân ái và bao dung hơn trong ứng xử với bạn bè.
Hôm trước, khi nghe cuộc toạ đàm chủ đề “Có nên công khai điểm số học sinh” trên VOV2 tôi có viết trên facebook của mình rằng “chẳng lẽ giá trị của một đứa trẻ phụ thuộc vào sự vâng lời và điểm số? Và cách công khai điểm số ở một vài nơi chẳng khác gì màn đấu tố trá hình.”
Sau nhận xét ấy tôi nhận được nhiều tin nhắn không đồng tình. Phần lớn những tin nhắn ấy của giáo viên.
Thực ra màn đấu tố trá hình không phải diễn ra ở khắp mọi nơi. Vả lại đây là quan điểm cá nhân, đồng thời tôi cũng không có ý định giải thích.
Tuy nhiên từ câu chuyện điểm số này tôi lại nghĩ tới một cách ứng xử khác trong trường học. Đó là việc giáo viên luôn định hướng các em tới sự hoàn hảo.
Ở Việt Nam, khi trả bài kiểm tra, giáo viên sẽ có một vài lời nhận xét chung, ngợi khen các em điểm cao, chỉ ra những em điểm thấp, và đặc biệt thấp. Phần lớn các trường công hiện vẫn duy trì cách này.
Việc nhấn mạnh những trò bị điểm thấp (bên cạnh việc đề cao những trò giỏi) được một số người hồn nhiên tin rằng đó là phương pháp thúc đẩy sự ganh đua. Không phải là phổ biến nhưng đây đó cũng có giáo viên muốn dùng cái gọi là phương pháp “thúc đẩy sự cạnh tranh” này để nhằm cô lập học sinh cá biệt với ngầm ý (có thể nói ra hoặc không): “Em là người duy nhất bị điểm kém đấy! Hãy liệu chừng!” .
Cho dù mục đích cuối cùng của hành động nói trên cốt chỉ để giúp học sinh vươn lên nhưng hệ luỵ rất khó lường, thậm chí nó sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu.
Khi đó học sinh đạt kết quả thấp sẽ rơi vào tâm trạng: thụ động, nhút nhát, sợ hãi, rụt rè. Các em lấm lét nhìn xung quanh rồi dán mặt xuống bàn không dám giơ tay đặt câu hỏi với cô, với các bạn vì sợ là người duy nhất không hiểu bài, là người duy nhất gặp khó khăn. Bởi vì sao? Vì chính các em từng có “tiền án tiền sự” về điều này. Nó thể hiện ở kết quả điểm số mà cô đã công khai cho cả lớp biết trước đó.
Tôi đồ rằng cứ công khai điểm số như thế thì những trẻ học yếu sẽ ngày càng tự ti và sợ hãi. Chúng sẽ không dám trao đổi lại với giáo viên. Cái sự học như thế là thất bại vì công cụ tuyệt vời nhất của giáo viên chính là câu hỏi của trò. Câu hỏi của trò được ví như hạt giống của việc học tập thực sự. Thầy cô đã vô tình tước đoạt mà không hề hay biết.
…Và sự hoàn hảo của học trò
Tuy nhiên, cho dù sau này chúng ta có những đổi mới trong việc công bố điểm tới học sinh nhưng như thế cũng chưa đủ để chắc chắn học sinh sẽ dũng cảm hơn lên trong lớp học.
Tôi nghĩ vẫn phải dạy cho học trò sự tự tin và dũng cảm thay vì kỳ vọng các em phải hoàn hảo. Tất nhiên sự dũng cảm ở đây không phải “đi chân trần lên thuỷ tinh” mà trước hết là sự dũng cảm bộc lộ bản thân.
Muốn các em dũng cảm bộc lộ bản thân thì đừng xét nét với sự chưa hoàn hảo, đừng định hướng học trò vào sự hoàn hảo; hãy sẵn sàng yêu thương, chấp nhận không phải vì sự hoàn hảo mà vì sự cố gắng; đồng thời tìm ra phương pháp giúp học sinh thoi mái với sự không hoàn hảo của bản thân và của cả mọi người xung quanh.
Khi các em hiểu được rằng ở tuổi học trò, sự không hoàn hảo có thể chấp nhận được thì khi đó các em sẽ bạo dạn và mạnh mẽ hơn nhiều vì các em không còn sợ sai, không sợ mắc sai lầm. Khi không lấy sự hoàn hảo làm chuẩn mực và thước đo thì các em cũng sẽ nhân ái và bao dung hơn trong ứng xử với bạn bè. Giáo viên sẽ có cơ hội giảng dạy tốt hơn khi các trò vượt thoát khỏi sự sợ hãi, âu lo, dũng cảm thể hiện bản thân cho dù nó chưa thực sự hoàn hảo./.