Vụ ông Vũ Huy Hoàng: Cần thu hồi quyết định sai trái về nhân sự
VOV.VN -Việc ông Hoàng bổ nhiệm con, cần xem xét thu hồi quyết định sai trái về nhân sự, mức độ thiệt hại, thu hồi tài sản thất thoát về cho nhà nước.
Liên quan đến Thông báo về nội dung Kỳ họp thứ VII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét, kết luận các nội dung trong đó có một số sai phạm của Bộ Công thương và đề nghị kỷ luật cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.
ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: những thông tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra trong bản kết luận rất rõ. Tuy Đảng đã đưa ra hình thức kỉ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng và các cá nhân liên quan ở Bộ Công Thương nhưng Đảng không làm thay Nhà nước. Trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải làm mạnh, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (ảnh: Thúy Hạnh) |
ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh: “Chính vì thế, trong những lần thảo luận ở tổ, tôi có đề nghị nên đưa ra một tội danh mới như tội lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người không xứng đáng vào bộ máy nhà nước và củng cố quyền thống trị của một nhóm quyền lực, một nhóm lợi ích hay trục lợi cho lợi ích của bản thân và gia đình. Như vậy mới có tác dụng răn đe hành vi lạm dụng quyền lực gây ra bức xúc dư luận trong thời gian qua”.
Ông Vân dẫn chứng: “Ngày xưa, Vua Lê Lợi đã từng quy định thưởng phạt rất nghiêm, những ai tiến cử hiền tài sẽ trọng thưởng, những ai tiến cử người không xứng đáng sẽ bị trừng phạt. Bây giờ ta chưa đã quy định này chưa? Hiện nay, khi bổ nhiệm nhân sự đều dựa vào danh nghĩa tập thể để hợp thức hóa, khi vỡ lở lại bảo đúng quy trình.
Cho nên, chúng ta phải xem xét quy định cho nó chặt chẽ và đặc biệt là phải có những quy định về kiểm soát quyền lực trong việc bổ nhiệm, về trách nhiệm của người đề cử, trách nhiệm của người xem xét nhân sự đến đâu khi giới thiệu một người không xứng đáng.
Thậm chí có những người không xứng đáng mà còn gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc và xa nữa là những kẻ đã phản bội lại lý tưởng của Đảng, phản bội lại lợi ích và an ninh quốc gia. Rõ ràng người nào tiến cử, tổ chức nào xem xét đều phải chịu trách nhiệm, không chỉ chịu trách nhiệm chung chung mà phải có sự trừng phạt thích đáng.
Như vậy mới giải quyết được tình trạng mua quan bán tước, buộc phải có trách nhiệm chọn đúng người hiền tài, vừa có năng lực, vừa có đạo đức, vừa có trí tuệ”.
Liên quan đến việc ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai vào vị trí Tổng giám đốc, ông Vân cho rằng: Vụ ông Vũ Huy Hoàng, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận và có đủ cơ sở để kỷ luật. Khi một người là bố mà bổ nhiệm con, nếu người con có thực tài, có phẩm chất nổi bật, xuất chúng thì chắc chắn tập thể và cá nhân ở đơn vị sử dụng sẽ không phàn nàn gì.
Đằng này, trong trường hợp Vũ Quang Hải tập thể phản ứng dữ dội, dễ nhận thấy con ông Vũ Huy Hoàng là không xứng đáng. Có sự can thiệp của một hệ thống dưới thời ông Vũ Huy Hoàng để tạo thuận lợi, làm bệ đỡ cho Vũ Quang Hải lên chức, trong một thời gian ngắn đã luân chuyển qua nhiều chức, ngày một cao hơn nhưng trên thực tế không thể hiện được năng lực, trình độ quản lý khiến cho tập thể kêu ca và có cả dấu hiệu thiệt hại trong việc quản lý.
"Về mặt Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận, về mặt Nhà nước cơ quan điều tra phải vào cuộc, xem xét trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự, Nếu cần, sẽ phải thu hồi quyết định sai trái về nhân sự, xem xét mức độ thiệt hại, thu hồi tài sản thất thoát về cho nhà nước"- ông Vân nói.
Theo ông Vân, do quy định của Đảng, các quy phạm pháp luật của Nhà nước còn kẽ hở, chưa chặt chẽ nên các vị đó có cơ hội để lợi dụng cho mục đích cho cá nhân, lợi ích nhóm của mình.
Hơn nữa, việc kiểm soát quyền lực nội bộ làm chưa tốt, có vấn đề ở tính đấu tranh, ngăn chặn của tập thể đối với hành vi lạm dụng quyền lực của cá nhân làm chưa tốt.
Ngoài ra, sự kiểm tra của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới, của cơ quan ngang cấp, có thẩm quyền giám sát làm chưa đến nơi đến chốn cho nên mới để lọt những đối tượng lạm dụng quyền lực, lạm dụng quy định để thực hiện các hành vi có lợi cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của mình.
Ông Vân lấy ví dụ, trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, vị này đã có dấu hiệu vi phạm từ trước. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh còn được cá nhân, tập thể nào đó tiếp tục hợp thức hóa nhân vật Trịnh Xuân Thanh để luân chuyển theo chiều hướng đi lên như về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và được bầu vào ĐBQH với số phiếu tín nhiệm cao. “Nếu không có sự tiếp tay của nhóm lợi ích, Trịnh Xuân Thanh không thể leo cao như thế"- ông Vân nêu rõ./.