Từ “cô gái thổ dân” tới “Lệ Quyên lên báo Anh, Mỹ”:

Giá trị của con người không nằm ở số lượng “like” trên Facebook

VOV.VN - Đến thời điểm hiện tại, sẽ là không quá khi nói rằng: Facebook đang chơi chúng ta.

1. Facebook đang thay đổi hoàn toàn cách giao tiếp của con người. Trong những ngày mới xuất hiện, ngôn ngữ Việt có thêm từ “chơi Facebook”. Lúc đó, Facebook được công chúng đón nhận và coi đó như một trò chơi không hơn. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, sẽ là không quá khi nói rằng: Facebook đang chơi chúng ta.


Có vô vàn minh chứng trong cuộc sống hàng ngày: một nhóm bạn trò chuyện, mỗi người cầm một chiếc smartphone hay máy tính bảng lướt Facebook, thi thoảng đối đáp nhau bằng một vài câu ơ hời. Đôi lứa hẹn hò trong quán café mỗi người một điện thoại. Một đôi khi họ ngẩng đầu lên nhìn nhau cười để… selfie đăng lên Facebook.

Rõ ràng, chúng ta bị lệ thuộc vào Facebook, nhìn cuộc sống qua màn hình News Feed, nạp thông tin, kiến thức bằng những mẩu thông tin hời hợt, đầy thiên kiến cá nhân và sai lệch khá nhiều.

Ở góc độ khác, Facebook cũng là kênh đầu tiên người ta nghĩ tới khi tìm hiểu con người một ai đó. Không ít những nhà tuyển dụng quốc tế đã tìm hiểu giá trị cốt lõi (Core value) của ứng viên bằng việc “soi” Facebok ứng viên. Nhưng cái họ quan tâm không phải là số lượng “like” mà là những gì chủ tài khoản phát ngôn, đăng hình, trò chuyện với bạn bè qua những dòng comment. Và chúng ta tự nguyện phơi bày mọi quan hệ riêng tư, góc khuất của tâm hồn mình trên Facebook cá nhân bằng cách này hay cách khác để người khác đánh giá.

Cũng do Facebook đang làm chủ cuộc chơi nên không ít người bị “cuồng like”. Những thứ “quái đản” tới khó hiểu cũng xuất hiện chỉ để “câu like”. Đó là một cô gái không mặc áo ngực nhảy nhót khoe thân, là anh chàng hát ngọng líu lô lố bịch, là cô bé 16 tuổi bán nude để lộ trọn bầu ngực trong phong cách hóa trang thổ dân.

Ảnh trên Facebook

Chiếc áo nhân phẩm cởi ra và thay bằng chiếc áo long lanh giả tạo: Nghệ thuật. Những người am hiểu ảnh Nude  đều cởi phắt nốt tấm áo “nghệ thuật” cô gái tự khoác lên mình. Thực tế, những bức ảnh của cô không hề mang thông điệp nghệ thuật gì, hình ảnh nude của cô không phải là gợi cảm mà là gợi dục. Và cách cô trở lên nổi tiếng là phổ biến trong thế giới bị lẫn lộn “like” với giá trị con người.

2. Ở thái cực khác, nhiều người nổi tiếng coi số lượng “like” của các Fan như tấm khiên phòng bị mỗi khi gặp sự cố. Tức là, thay vì đối mặt với dư luận một cách cởi mở, chân thành để vượt qua khủng hoảng, những người này dùng những cộng đồng ủng hộ mình để thách thức số còn lại. Và họ luôn coi những status ở thời điểm trong “tâm bão” với  số “like” khủng là lá chắn thép trước dư luận. Đây là cách xử lý khủng hoảng truyền thông rất tệ bởi chủ thể không quan tâm tới thực trạng mà chỉ tự tạo huyễn tưởng cho mình.


Đơn cử như trường hợp ca sĩ Lệ Quyên cho con đi tiểu trên máy bay đang “nổi tiếng” khắp báo Anh, báo Mỹ gần đây. Tất nhiên, sự “nổi tiếng” toàn cầu này ngoài ý muốn, nó khác các tâm lý “cuồng like” một cách bệnh hoạn như các hiện tượng mạng xã hội. Nhưng, càng về sau, cách ứng xử của ca sĩ này trước công chúng càng có nét tương đồng khi cô không nhận lỗi và dùng Facebook cá nhân (với hơn 300,000 người theo dõi) để thách thức công chúng. Status mang thông điệp thách thức cũng đã có hơn 6000 “like”.

Nhưng nếu nó vươn tới 1 triệu “like” thì hành động của Lệ Quyên cũng là không chấp nhận được.  Nút “like” không thể đổi trắng thay đen, không đánh tráo được giá trị và phẩm giá con người.

Vậy lượng “like” có giá trị gì?

Có chăng, lượng “like” chỉ để ru ngủ những người sai mà không dám đối diện với sự thật và buông một lời xin lỗi tới những người đã ủng hộ cô. Nó cũng giúp các cô gái mới lớn nhìn về tương lai lấp lánh ảo tưởng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên