Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn
VOV.VN -Nhiều học giả đánh giá, Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, mặc dù trong năm nay, tình hình đã có phần được cải thiện.
Ngày 12/11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, bước sang ngày làm việc thứ hai.
Phó Tổng thư ký ASEAN Nyan Lynn đọc phát biểu dẫn đề của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh |
Hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, quan chức chính phủ trong nước và quốc tế cùng đại diện các đoàn ngoại giao tại Việt Nam tiếp tục thảo luận các chủ đề: “Những diễn biến pháp lý gần đây và Biển Đông”, “Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển”, “Đánh giá Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC”, “Quản lý căng thẳng và tương lai của Biển Đông”, “Khuyến nghị chính sách”.
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên, đã diễn ra bốn phiên thảo luận với 19 tham luận về các chủ đề: “Những diễn biến gần đây trên Biển Đông”, “ASEAN và Biển Đông”, Quan hệ giữa các nước lớn và Biển Đông”, “Luật quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Biển Đông”.
Về các diễn biến gần đây, nhiều học giả đánh giá, Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, mặc dù trong năm nay, tình hình đã có phần được cải thiện. Tại hội thảo, các học giả cho rằng, ASEAN đã có động thái tích cực khi củng cố được đoàn kết nội khối và khởi động tham vấn với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Tuy nhiên, trong những năm tới, cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông sẽ tiếp tục. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần duy trì đoàn kết, nếu không sẽ mất vai trò ngay tại các diễn đàn mà ASEAN lâu nay vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Các đại biểu tham gia Hội thảo |
Thảo luận về vai trò của Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc trong tranh chấp Biển Đông, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước nói riêng. Tuy nhiên, các học giả cho rằng, quy định của luật pháp quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa đầy đủ, vì vậy, việc xây dựng một Bộ luật ứng xử tại Biển Đông là yêu cầu cấp thiết để quản lý tranh chấp và phòng ngừa xung đột./.