Thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt Nam

Càng thêm yêu cuộc sống hôm nay

Những ngày tháng tư này, thăm lại Bảo tàng, chúng ta càng thêm trân trọng, biết ơn các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt Nam được thành lập ngày 4/9/1975, nằm trong hệ thống bảo tàng hoà bình thế giới. Đây là một trong những địa chỉ du lịch- lịch sử có sức hút cao đối với du khách khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.

Gần 34 năm qua kể từ khi bảo tàng đi vào hoạt động, đã có khoảng 10 triệu lượt người đến thăm. Tính ra mỗi năm nơi đây đón tiếp khoảng 400.000 lượt khách, trong đó có 1/3 là người nước ngoài…

Bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt Nam
Địa chỉ: 28- Võ Văn Tần, Q 3, TP Hồ Chí Minh
Chúng tôi xúc động chứng kiến không ít người đến thăm bảo tàng đã không cầm được nước mắt khi xem những hiện vật và những bức ảnh ghi lại tội ác tột cùng của địch đối với đồng bào, đồng chí của mình ngày nào. Đó là chiếc máy chém thời trung cổ, còn gọi là “máy chém năm 59” mà chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã cho làm để hành hình những người chống lại chúng. Anh Hoàng Lệ Kha- một cán bộ chủ chốt của Tỉnh uỷ Tây Ninh là người đấu tranh quyết liệt với chế độ hà khắc của Mỹ - Diệm, được ghi nhận là người cuối cùng bị chúng sát hại bằng máy chém. Bây giờ ở quê hương người chiến sỹ cộng sản bất khuất ấy cùng với một số nơi trên đất nước có những địa danh, trường học mang tên Hoàng Lệ Kha.

Những bức ảnh rất quý của các nhà báo phản ánh về cuộc chiến của Mỹ gây ra ở Việt Nam và cả bán đảo Đông Dương thời kỳ 1955 – 1975 đã được chọn trưng bày tại bảo tàng. Trong số đó có bức ảnh chụp em bé gái Kim Phúc và bà con ở Trảng Bàng đang cố thoát khỏi cái chết do bom cháy Napalm mà máy bay Mỹ vừa thả xuống (năm 1972). Bức ảnh là lời tố cáo đanh thép về tội ác dã man của chiến tranh mà đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, đã mang lại cho nhà báo Nick Út (Huỳnh Công Út- phóng viên chiến trường của hãng thông tấn AP tại Việt Nam) giải thưởng lớn nhất về ảnh báo chí thế giới Pulitzer.

Bức ảnh đoạt giải Pulitzer của Nick Út


Người tham quan cũng đã thật sự xúc động khi xem bộ sưu tập ảnh phóng sự “Hồi niệm” của 134 phóng viên thuộc 13 quốc tịch đã chết ở chiến trường Việt Nam và Đông Dương khi đang làm nhiệm vụ. Các phóng viên đã để lại cho thế giới những bức ảnh đã đi vào lịch sử phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, tàn bạo nhất của Mỹ gây ra tại các nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong thế kỷ 20. Đó là bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Kyoichi Sawada chụp ở Quy Nhơn năm 1965, cảnh bốn mẹ con người nông dân đang dìu nhau vượt sông để tránh bom đạn của Mỹ. Hay bức ảnh của tác giả Dana Stone chụp năm 1966 cảnh lính sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đang chĩa súng vào dân thường núp trong các bụi cây tránh đạn ở Bồng Sơn, Bình Định… Rồi hình ảnh máy bay Mỹ tàn phá hoàn toàn một khu dân cư ở miền Bắc Việt Nam của phóng viên IshikawaBunyo. Ảnh của nhà nhiếp ảnh Nakamura Goro chụp các em nhỏ Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam của Mỹ, trông rất thương tâm...

Anh Ba Hoàng là hướng dẫn viên của bảo tàng đã nói với một đoàn khách đang tìm hiểu “chuồng cọp” mà quân đội Mỹ - nguỵ dùng để nhốt người tù yêu nước ở Côn Đảo: “Cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra đã qua đi mấy chục năm rồi nhưng nỗi đau chưa thể nào quên đối với không ít người Việt Nam. Bởi vì có 3 triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh (trong đó có 2 triệu dân thường), 2 triệu người bị thương, 300.000 người mất tích chưa tìm được hài cốt, 3 triệu trẻ em khuyết tật do chất độc da cam. Trên 2 triệu héc ta rừng và đất nông nghiệp bị phá huỷ vì chất độc hoá học của Mỹ rải xuống…”

Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã sử dụng số lượng kỷ lục: khoảng 14 triệu tấn bom đạn (gấp 7 lần so với chiến tranh thế giới lần thứ 2 và gấp 20 lần so với chiến tranh của Mỹ đối với Triều Tiên), 70 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 40 triệu lít chất độc da cam, thả xuống nhiều vùng đất của Việt Nam khiến hiện nay nhiều nơi vẫn là vùng đất chết…

Một góc khu trưng bày “Chứng tích tội ác và hậu quả chiến tranh”

Nơi trưng bày hình ảnh nạn nhân chất độc da cam

Chúng tôi quan sát thấy nhiều khách nước ngoài, nhất là người Âu - Mỹ đã xem rất kỹ các hiện vật từ khẩu đại bác 175 ly được mệnh danh là “Vua chiến trường”, bom địa chấn BLU-82 có thể huỷ diệt mọi vật trong bán kính 100 mét… của quân đội Mỹ sử dụng ở chiến trường Việt Nam; đến những tờ tranh áp phích, những trang báo cổ động xuống đường biểu tình phản đối cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trưng bày tại bảo tàng.

Nhiều người nước ngoài chú ý đến hộp huân chương và bút tích “Tôi đã sai lầm, tôi rất ân hận” của một cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam cũng được trưng bày trong bảo tàng. Người ấy tên là Prom William Brown, đã gửi lại bảo tàng tất cả huân huy chương mà ông ta được quân đội Mỹ tặng sau khi thoát chết từ chiến trường Việt Nam trở về.

Những loại bom gây sát thương lớn (bom địa chấn BLU, bom CBU-55B) của quân đội Mỹ thả xuống Việt Nam trong chiến tranh

Nhiều thanh thiếu niên các tỉnh Nam Bộ tới tham quan, tìm hiểu lịch sử kháng chiến

Những hình ảnh, hiện vật trưng bày đã giúp cho người tới thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt Nam hiểu thêm lý do vì sao nước Mỹ với quân đội được coi là hùng mạnh nhất, lại được trang bị vũ khí tối tân nhất, lại thất bại thảm hại ở chiến trường Việt Nam.

Những ngày tháng tư này, thăm lại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, chúng ta càng thêm yêu quý cuộc sống mới trong hoà bình hôm nay và càng trân trọng, biết ơn các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta thêm tự hào về đất nước thân yêu đã nhanh chóng hồi sinh sau chiến tranh và đang là điểm đến đầu tư – du lịch hấp dẫn, an toàn, tin cậy của thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên