Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm

Mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát thành công, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì tăng trưởng 4,38%.

Trong hai ngày 2 và 3/7 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay. Thông qua truyền hình trực tuyến, các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các địa phương thống nhất nhiều giải pháp cụ thể, nhằm khẩn trương tháo gỡ các nút thắt đối với nền kinh tế, nhất là trong tiếp cận vốn vay đối với doanh nghiệp, xử lý nợ xấu ngân hàng, giải quyết hàng tồn kho… trên cơ sở kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý trong cả năm nay.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng theo đánh giá chung tại phiên họp: kinh tế- xã hội nước ta 6 tháng đầu năm nay vẫn chuyển biến tích cực, đúng hướng và đúng mục tiêu đề ra với kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thấy rõ nhất là mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát thành công, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì tăng trưởng 4,38% gắn với chuyển động bước đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng hơn 22% so với cùng kỳ, dư nợ tín dụng và sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng dần trở lại, hầu hết các ngành sản xuất nông nghiệp đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái... Đây là cơ sở cho thấy triển vọng kinh tê xã hội 6 tháng cuối năm sẽ chuyển biến tốt hơn, nếu như giải quyết tốt các nút thắt đối với nền kinh tế.

Trên tinh thần này, từng thành viên Chính phủ với chức trách được giao đã lần lượt trả lời cụ thể các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thực thi các chính sách kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng từ 5,2 - 5,7% trong cả năm nay, nhưng vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Hệ thống ngân hàng sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng để giải quyết hàng hóa tồn kho hiện nay. Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc giải quyết nợ xấu ngân hàng hiện nay không đáng lo ngại vì nợ xấu chiếm khoảng 3,96%, tương đương với 96.000 tỷ đồng nhưng 84% số này được đảm bảo bằng tài sản và với giá trị bằng 135% khoản vay. Ngoài ra các tổ chức tín dụng còn có khoảng 67.000 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro để giải quyết nợ xấu…

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm: “Tôi đề nghị đưa tín dụng vào tăng lên khoảng 10% là thành công, phần trăm đó cố gắng đẩy vào nông nghiệp nông thôn, nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Thứ hai là gắn với đó phải giải quyết nợ xấu linh hoạt. Không chỉ chờ lập công ty mua bán nợ mà cách nào đó nợ xấu có tài sản thế chấp 80%, có dự phòng rủi ra thì xử lý đúng luật pháp, đúng quy định. Gắn với đó kiên định cơ cấu lại các ngân hàng không để lập lại các ngân hàng yếu kém”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng tình với các thành viên Chính phủ cần khẩn trưởng có chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích phát triển các quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn; tính toán bỏ thuế xuất khẩu dừa 3%, đồng thời xây dựng chương trình tổng thể đầu tư xúc tiến thương mại cá tra.

Kiên định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp điều hành nền kinh tế đề ra từ đầu năm, Thủ tướng nêu rõ phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 7 - 8%, kéo xuống thấp hơn trong những năm sau theo hướng ổn định và căn cơ. Đây là trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung rà soát các dự án thủy điện đảm bảo 3 yêu cầu: nghiêm túc thực hiện tốt tái định cư; đảm bảo môi trường, nhất là cam kết trồng lại rừng, điều tiết nước hiệu quả và đảm bảo an toàn của các hồ, đập thủy điện. Dự án thủy điện mới nếu không đảm bảo 3 yêu cầu này dứt khoát không triển khai.

Đối với đầu tư công mỗi công trình, khi xác đinh rõ nguồn vốn mới được khởi công, Thủ tướng nêu rõ như vậy và yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tập trung giải ngân nhanh nguồn vốn ngân sách đã bố trí trong năm nay, đồng thời sớm trình danh sách các công trình ứng trước vốn của năm 2013. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán nguồn đảm bảo vốn đối ứng để giải ngân nguồn vốn ODA.

Thủ tướng cũng yêu cầu từng bộ trưởng trong tháng 7 này trình phương án tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào ngành nghề chính; đổi mới quản trị hiệu quả; kiện toàn tổ chức… Chính phủ cũng sẽ phân công, phân cấp rõ ràng trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước…

Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư công nghệ cao; tiếp tục làm tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, giải quyết khiếu nại tố cáo, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, y tế, giáo dục… cũng như đưa số người tham gia bảo hiểm y tế thành chỉ tiêu hàng năm để phấn đấu thực hiện.

Cũng trong phiên họp Chính phủ tháng 6, các thành viên Chính phủ đã đóng nhiều ý kiến về lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; phương án thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo cơ chế thị trường; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và một số sự án luật quan trọng khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên