Cơ hội mới khai thác tiềm năng hợp tác Việt Nam - Tanzania

Thủ tướng nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania Mizengo Piter Pinda sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-31/3. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và đầu tư giữa hai nước

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Mizengo Piter Pinda từ khi nhậm chức và chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai cấp Thủ tướng của Tanzania kể từ năm 2006.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế của Tanzania ổn định. Từ năm 1980, Tanzania thực hiện cải cách kinh tế theo hướng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và được Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đánh giá là 1 trong 8 nền kinh tế đang nổi lên ở châu Phi.

Việt Nam và Tanzania có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao Tanzania đã nhiều lần thăm Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Tanzania nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nhất là về nông nghiệp và chế biến nông sản.

Nằm ở phía Đông châu Phi, bao gồm phần lục địa và một số đảo trong đó quan trọng nhất là ba đảo Zanzibar, Pemba và Mafia, Tanzania có đường biên giới chung với Kenya, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo, Zambia, Malawi và Mozambique, phía đông nhìn ra Ấn Độ Dương. Tanzania là hợp nhất của nước Cộng hòa Tanganyika với nước Cộng hòa Zanzibar. Đất nước Tanzania xinh đẹp rộng hơn 900.000 km2 (trong đó có 880.000 km2 đất liền) và có 41 triệu người dân sinh sống.

Chính phủ Tanzania bắt đầu tư hữu hóa nền kinh tế từ đầu những năm 90. Kinh tế nước này phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và ngành nông nghiệp cung cấp 40% thu nhập quốc dân, 85% hàng xuất khẩu. Tanzania đứng đầu thế giới về xuất khẩu sisal, ngoài ra còn có cà phê Arabica, bông, đinh hương, cùi dừa, hạt điều, thuốc lá, mía… Rừng cũng là một nguồn lợi lớn của Tanzania với sản lượng khai thác hàng năm hơn 30 triệu m3 gỗ.

Đất nước Đông Phi này là quốc gia có nhiều tiềm năng về khai thác mỏ. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ gần đây, Tanzania đã trở thành quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của châu Phi. Bên cạnh đó, Tanzania còn có oxide uranium với trữ lượng lớn. Chính phủ nước này đã cấp phép cho khoảng 20 công ty khai thác và phần lớn dự án sẽ được thực hiện trong năm 2010.

Những năm gần đây, kinh tế của Tanzania tăng nhanh rõ rệt, từ 4% (2000) lên 6,9% (2007); năm 2009, mặc dù kinh tế thế giới bị suy giảm, nhưng Tanzania vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 4,5%; xuất khẩu tăng từ 2,1 tỷ USD (2007) lên 2,74 tỷ USD năm 2009. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, thiếu máy móc nông nghiệp, sản lượng thấp nên hàng năm, Tanzania vẫn phải nhập khẩu khoảng 100.000 tấn gạo, 50.000 đến 100.000 tấn ngô và các mặt hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, quần áo, hóa chất, dược phẩm...

Tanzania đã xây dựng kế hoạch “Tầm nhìn 2025” nhằm cải thiện mức sống người dân, kiện toàn hệ thống luật pháp, tăng tính hiệu quả của bộ máy lãnh đạo, tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ đầy tính cạnh tranh để hướng ra xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Thực hiện kế hoạch này, Tanzania sẽ triển khai một số dự án lớn như xây dựng cầu nối từ Tanzania đến Mozambique, mở rộng quy mô cảng cửa ngõ Dar Es Salaam, xây dựng mạng lưới điện nối từ Zambia tới Kenya…

Về đối ngoại, Tanzania là thành viên của Tổ chức Thống nhất Châu Phi (OUA), của Liên Hợp Quốc và Phong trào không liên kết. Tanzania có vai trò quan trọng trong việc duy trì đoàn kết ở châu Phi và tích cực góp phần thúc đẩy hợp tác Nam - Nam.

Việt Nam và Tanzania thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tanzania đã ủng hộ Việt Nam cả vật chất lẫn tinh thần và coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh chống xâm lược đối với các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là các nước châu Phi. Đến nay, hai bên đã ký nhiều Hiệp định, thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ; ký thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Tanzania; thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa hai Chính phủ...

Tanzania mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và cho biết sẵn sàng dành diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn cho Việt Nam để khai thác và hợp tác; đồng thời đề nghị Việt Nam cử chuyên gia nông nghiệp, thủy lợi sang Tanzania. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Tanzania đạt khoảng 30 triệu USD (2007). Việt Nam xuất khẩu sang Tanzania đạt 18,3 triệu USD chủ yếu là gạo (2007) và nhập khẩu bông, gỗ, nguyên liệu dệt may, đồ da...

Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nhất là về nông nghiệp và chế biến nông sản, chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Tanzania càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm sẽ mở ra những cơ hội mới để tăng cường khai thác những tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Tanzania./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên