Đề nghị làm rõ cho thuê đất rừng có yếu tố nước ngoài

Phải gắn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội  

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Quy hoạch đất cũ chưa đáp ứng thực tế

Đánh giá về quy hoạch sử dụng đất thời gian qua, đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhìn nhận: Cách lập Quy hoạch sử dụng đất còn nhiều lãng phí và bất cập.

Trong thời gian qua, quy hoạch được hiểu như việc khoanh định các loại đất với tầm nhìn 10 năm và cụ thể hóa qua kế hoạch 5 năm, nhưng quy hoạch theo tổng diện tích đất như hiện nay không tác động nhiều đến cân đối nguồn lực đất đai cho nhu cầu phát triển bền vững.

Có ý kiến cho rằng quy định việc lập quy hoạch sử dụng đất phải thực hiện ở cả 4 cấp là lãng phí

Thực tế hiện nay các địa phương cần bao nhiêu đất, loại gì cho dự án đầu tư đều ra quyết định giao đất, mà không cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đã có như thế nào. Dự án nào có tên trong danh sách đã được chấp thuận được coi là phù hợp và tiến hành lập dự án, sau đó bổ sung cho phù hợp.

Do phát triển kinh tế- xã hội quá nhanh, việc quy hoạch đất để tiến hành đầu tư là không thể. Do đó hầu hết các địa phương lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội vào quy hoạch ngành nên các quy hoạch này là không đồng bộ, chồng chéo, khó thực hiện; chưa quy định cụ thể quy hoạch nào làm trước, làm sau, gây lãng phí.

Theo Luật Đất đai năm 2003, quy định việc lập quy hoạch sử dụng đất phải thực hiện ở cả 4 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện và xã). Tuy nhiên, theo các đại biểu, thực tế việc tiến hành ở cả 4 cấp là lãng phí cho nên không cần xem xét thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở cấp xã.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, khi lập quy hoạch sử dụng đất ,thông tin quy hoạch kỳ trước chưa đưa vào quy hoạch kỳ này. Việc định hướng cho phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, chất lượng dự báo chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến vừa thiếu vừa thừa, phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất. Hạn chế về chất lượng, trình độ của đội ngũ làm quy hoạch sử dụng đất, chưa định rõ quy định pháp lý chủ thể trong quản lý cũng như phân bổ nhu cầu sử dụng đất, dẫn đến quy hoạch treo chưa xử lý còn phổ biến, ảnh hưởng đến người sử dụng đất.

Đại biểu Khúc Thị Duyên (đoàn Thái Bình) đánh giá, công tác quy hoạch ngay từ đầu với các địa phương, tính nối kết giữa các vùng miền chưa thực tế, chưa bài bản khoa học, chưa phù hợp với điều kiện của địa phương; Thiếu sự vào cuộc cùng liên kết để xây dựng quy hoạch, thiếu hướng dẫn các Bộ ngành. Việc sử dụng đất có nơi thừa nơi thiếu; quy hoạch đất cho công nghiệp nhưng đất lấy chủ yếu là đất nông nghiệp, trong khi nông dân không có đất sản xuất.

Đại biểu đề nghị công tác quy hoạch phải duyệt đúng cho các địa phương ngay từ đầu từng loại đất để sau nay địa phương bám vào quy hoạch Trung ương phê duyệt mà thực hiện. Bên cạnh đó, các Bộ ngành cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc phê duyệt để không bị phá vỡ quy hoạch tổng thể.

Từ những bất cập trên, đại biểu Lê Thị Công và nhiều đại biểu đề xuất cần đánh giá lại tính khả thi trong kỳ quy hoạch đất 2001-2010 để rút kinh nghiệm và định hướng cho quy hoạch đất kỳ này; Hoàn thiện chủ trương chính sách liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng gắn quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội; Không  bố trí quy hoạch mới cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, du lịch khi mà diện tích lấp đầy chưa quá 60%; Không bố trí đất nông nghiệp liền kế khu dân cư, khu đô thị hiện hữu vì nơi đây mặc dù sản xuất lúa nước từ 1-2 vụ nhưng là nơi tiếp nhận nguồn nước thoát mưa, triều cường. Nếu trung chuyển san lấp xung quanh khu dân cư, đô thị, sẽ gây ngập úng cục bộ. Giữ lại đất cát ven biển ở những khu xung yếu hoặc đất rừng phòng hộ ven biển để phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường. Việc lập quy hoạch đất cần điều chỉnh lại dựa trên nguyên tắc đối thoại giữa các bên liên quan, lấy nội dung lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường làm nền tảng. Đối thoại để các bên đồng thuận cao là một trong những cách giảm nguy cơ tham nhũng trong sử quy hoạch sử dụng đất.

Về quy hoạch 3,81 triệu ha đất trồng lúa năm 2020, về cơ bản các đại biểu nhất trí với quy hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, không đưa đất của công nghiệp vào quy hoạch sản xuất của đất nông nghiệp, vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Chính phủ cũng cần phải quan tâm đầu tư cho các tỉnh có vùng lúa trọng điểm, đặc biệt là đầu tư về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng giao thông- thủy lợi, hỗ trợ cho nông dân sản xuất lúa trong vùng quy hoạch.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cho rằng, giữ mức đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,81 triệu ha là cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nhưng Chính phủ cần phải xây dựng chính sách hỗ trợ để đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa trong vùng quy hoạch, có vậy người dân mới không phá lúa để sử dụng đất vào mục đích khác.

Giải trình rõ việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

Phát biểu ý kiến về việc thực hiện dự án 5 triệu ha rừng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng quy hoạch đất lâm nghiệp và thực hiện quy hoạch 3 loại rừng (trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và cây ăn quả) còn nhiều yếu kém, chất lượng thấp. Cơ cấu 3 loại rừng chưa hợp lý, tỷ lệ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng lớn gây khó khăn cho phát triển rừng sản xuất.

Về tổng vốn huy động giai đoạn này 7.934 tỷ đồng nhưng mới đạt 24% kế hoạch, trồng mới mới chỉ đạt 1.309.380 ha (26%) kế hoạch so với Nghị quyết 08 của Quốc hội trong khi đã thực hiện một nửa thời gian. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2006 -2010 Chính phủ đã có rút kinh nghiệm điều chỉnh lại chỉ tiêu đã trồng mới 1.149.630 ha  của kế hoạch 1 triệu ha. Tuy vượt kế hoạch nhưng giai đoạn này  đại biểu đề nghị báo cáo Chính phủ cần nêu rõ việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn bất cập gây bức xúc trong dư luận.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã có văn bản trả lời về việc cho 11 doanh nghiệp nước ngoài thuê tổng diện tích 333.000 ha đất trồng rừng. Theo kiểm tra của Chính phủ, tại thời điểm đó  mới giao 33.000 ha. Chính phủ hứa sẽ dừng vấn đề này, nhưng đến nay số đất đã giao là 288.000 ha (gần đạt mức đã ký).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, như vậy là Chính phủ không dừng lại việc giao đất rừng này như đã cam kết xem xét điều chỉnh trước Quốc hội. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cho biết hướng xử lý vấn đề này.

Về việc ban hành Nghị quyết kết thúc dự án trồng rừng năm 2006-2010, nhiều đại biểu ý kiến cho  rằng không nhất thiết phải ban hành nghị quyết này vì nghị quyết 08 của Quốc hội đã khống chế giai đoạn dự án từ 1998 đến 2010. Nếu có kéo dài chương trình mới cần phải ra nghị quyết.

Các đại biểu cũng thống nhất cần tiếp tục dự án trồng mới và bảo vệ rừng. Theo đó đề xuất cho phép Chính phủ trong giai đoạn 2011-2020 triển khai thực hiện bảo vệ phát triển rừng theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ và phát triển rừng như Nghị quyết 73 năm 2006 Quốc hội khóa XI  đề ra.

Về vấn đề rừng phòng hộ, đại biểu đề nghị Chính phủ nên quan tâm đến việc rừng phòng hộ ở các tuyến ven biển. Diện tích cây chắn sóng trong những năm qua, theo đại biểu, công tác quy hoạch và đầu tư kinh phí còn nhiều hạn chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên