Đề nghị tăng chuyên gia độc lập trong đoàn giám sát

(VOV) - Có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học độc lập thì những vấn đề, những câu hỏi đặt ra có thể sâu sắc hơn.

Giám sát phải nghiêm

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần đổi mới phương thức giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nói chung và của cơ quan Quốc hội. Theo đó, đại biểu đề nghị các đoàn phải giám sát tại cơ sở và phải thu thập được ý kiến của nhân dân.

“Vừa qua hoạt động giám sát chỉ chủ yếu qua báo cáo, làm việc xong rồi đi về, hoặc những nội dung, chất lượng của nội dung Báo cáo giám sát không sâu”, đại biểu nêu ý kiến.

Về thành phần đoàn giám sát, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị phải thực hiện đúng phương châm và đúng theo quy định của pháp luật là phải đủ, đúng và xuyên suốt. Đại biểu cho biết, một số thành viên tham gia đoàn giám sát chỉ được đi giám sát ở địa phương còn giám sát để nghe ý kiến của các bộ, ngành thì không được thông báo tiếp tục để xuyên suốt một chuyên đề.

 

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đề nghị các đại biểu tham gia đoàn giám sát phải xuyên suốt (Ảnh:Vneconomy)

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) nêu ý kiến: “Tôi đề nghị cơ cấu số đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát vừa phải nhưng phải tham gia từ đầu đến cuối, không “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, giám sát phải làm sao nắm được thực chất và đề nghị nên thực hiện theo phương pháp vi hành, gặp dân trước, gặp quan sau. Trước khi giám sát nên có kênh nào đó để cử tri gửi phản ánh thông tin tới đoàn giám sát.

“Quốc hội chúng ta có gần 500 đại biểu và có nhiều cơ quan chuyên trách, nhiều đại biểu chuyên trách, nếu chúng ta tổ chức hợp lý và chọn đúng nơi, đúng người, đúng việc thì Quốc hội có thể giám sát được nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung hơn. Đi đâu cử tri cũng đều nói là rất mong muốn được Quốc hội giám sát”, đại biểu nói.

Đoàn giám sát nên tăng chuyên gia độc lập

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đề nghị có thể bớt các quan chức các bộ, ngành và tăng các chuyên gia độc lập, những người am tường để tham gia tư vấn cho đoàn giám sát, cho đại biểu Quốc hội.

“Tôi thấy đi nên thêm chuyên gia vào đoàn để làm tư vấn, phát hiện vấn đề. Kinh nghiệm đi giám sát cho thấy rằng nếu vấn đề nào mà chúng ta hiểu được, các chuyên gia tư vấn hiểu được thì khi tới nơi chúng ta mới có thể truy vấn làm rõ vấn đề”, đại biểu Trần Du lịch nêu ý kiến.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng: “Trong các báo cáo giám sát của Quốc hội cũng như của các ngành chúng ta thấy thiếu những ý kiến của cử tri, những giám sát hay bằng chứng độc lập. Chúng ta hầu hết chỉ nghe báo cáo phân tích còn hầu như không có một báo cáo, nghiên cứu, đánh giá nào của một tổ chức phi Chính phủ hay một cơ quan độc lập nào đó đánh giá về vấn đề cụ thể. Việc đó làm cho số liệu nhiều khi che giấu được những thực tế ở địa phương”.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề nghị có thể mời thêm các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại diện của tổ chức xã hội tham gia một số đoàn giám sát. Theo đại biểu, khi có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học độc lập, khách quan và có kiến thức thì những vấn đề, những câu hỏi đặt ra có thể sâu sắc hơn.

Quan trọng vẫn là “hậu giám sát”

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội có giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau khi giám sát để thấy được kết quả, trách nhiệm của các bộ, ngành cũng như Quốc hội.

“Kết quả giám sát mà không thực thi thì không đi vào cuộc sống. Tôi đề nghị có thể tổng kết hay ý kiến gì đó trong năm 2013 về các kết quả thực thi, các kết quả giám sát của nhiệm kỳ Khóa XII và đầu nhiệm kỳ Khóa XIII”, đại biểu đề nghị.

Ở góc độ khác, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị nội dung báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội phải thể hiện rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là trách nhiệm của cá nhân.

Ngoài ra, theo đại biểu, cần coi trọng giám sát thường xuyên việc thực hiện lời hứa cũng như việc giám sát trả lời kiến nghị của cử tri để khắc phục tình trạng hiện nay là các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm.

Theo đại biểu Trương Văn Vở, “có thể coi đây là một cơ sở để xem xét sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội thảo luận chương trình giám sát năm 2013
Quốc hội thảo luận chương trình giám sát năm 2013

(VOV) -Các chuyên đề được lựa chọn phải là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế.

Quốc hội thảo luận chương trình giám sát năm 2013

Quốc hội thảo luận chương trình giám sát năm 2013

(VOV) -Các chuyên đề được lựa chọn phải là những vấn đề bức xúc, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII
Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

(VOV) -Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 22/10 tại Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

(VOV) -Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 22/10 tại Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012.