Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phù hợp với xu thế phát triển

(VOV) -Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Quốc Hùng: Dự thảo Hiến pháp được chuẩn bị rất công phu và nhìn chung cũng bắt kịp xu thế chung của thời đại

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham gia đóng góp ý kiến của nhiều người Việt Nam đang học tập, làm ăn sinh sống ở nước ngoài, trong đó có LB Nga. Phóng viên VOV thường trú tại LB Nga phỏng vấn Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Quốc Hùng, người từng sống và làm việc nhiều năm tại LB Nga về những ý kiến đóng góp của ông.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng là thành viên Hội Luật gia Việt Nam, vừa được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế thuộc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Việt – Nga, mới được thành lập.

PV: Thưa ông, Nhà nước ta đang lấy ý kiến rộng rãi của mọi công dân Việt Nam cả ở trong nước, nước ngoài và cả Việt kiều về Hiến pháp sửa đổi. Ông có quan tâm và đánh giá gì về hoạt động này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tôi rất quan tâm đến hoạt động này bởi đây là một hoạt động chính trị - xã hội hết sức quan trọng, mọi người dân chúng ta đều rất quan tâm đến việc xây dựng một nhà nước dân chủ, công bằng, văn minh và thực sự là nhà nước pháp quyền. Tôi lại càng quan tâm hơn bởi tôi cũng là thành viên của Hội Luật gia Việt Nam và đang sinh sống, làm việc ở LB Nga.

Tôi đã đọc dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, được công bố vào đầu năm 2013 này. Nhìn chung, tôi đánh giá tích cực về những sửa đổi lần này. Điều mà tôi rất tâm đắc là Hiến pháp lần này đã khẳng định, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành và quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra có những điểm mới là dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có đưa vào những thiết chế độc lập như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng như Kiểm toán Nhà nước. Như thế là rất phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội bây giờ.

 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng

 

PV: Với vị trí công việc của mình hiện nay, ông có ý kiến đóng góp cụ thể gì về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Là một người Việt Nam đang làm việc ở Nga, đồng thời là thành viên của Hội Luật gia Việt Nam, tôi đã có điều kiện nghiên cứu Hiến pháp của nhiều nước và tôi cũng có một số kiến nghị.

Thứ nhất, tôi kiến nghị đưa bổ sung vào phần Lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi hoặc đưa vào phần nói về quyền con người khái niệm “quyền hòa bình”.

“Quyền hòa bình” thì đã được khẳng định trong các văn kiện pháp lý quốc tế như là Tuyên bố của LHQ về Quyền con người năm 1948; Hiến chương châu Âu về quyền con người. Hay trong Hiến pháp của rất nhiều nước như Oman, Barain, Tây Ban Nha, Philippines… Theo tôi thì trong một đất nước, khi đặt câu hỏi điều gì là quan trọng hơn giữa hòa bình và quyền con người thì nếu xét một cách toàn diện, cả hai quyền này đều quan trọng như nhau. Nhưng nếu không có hòa bình thì quyền con người cũng không được bảo đảm, vì thế những giá trị căn bản trong mỗi con người trong thời đại ngày nay thì không chỉ là dân chủ, tự do và quyền con người, mà còn là hòa bình, an ninh và trách nhiệm, sự đồng thuận, bao dung là những nguyên tắc và giá trị cao nhất để cùng hòa hợp chung sống của những con người có những nền văn hóa khác nhau, truyền thống khác nhau, trình độ khác nhau nhưng có cùng một mục tiêu chung là cùng tồn tại và phát triển.

Như vậy, kiến nghị cụ thể của tôi là đưa vào phần Lời nói đầu nội dung về quyền hòa bình như sau: “Chưa bao giờ loài người lại khát khao hòa bình mạnh mẽ như thời đại ngày nay. Mong muốn của con người về bảo vệ mình trước các cuộc chiến tranh đã dần dần dẫn tới nhận thức về sự quan trọng của việc công nhận hòa bình như một giá trị pháp lý nhân văn cao nhất. Nhân dân Việt Nam anh hùng bằng tinh thần tự lực, tự cường cùng với sự giúp đỡ của bạn bè và nhân dân thế giới đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước. Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ hy sinh, nhân dân Việt Nam luôn khát vọng hòa bình và có quyền được hưởng hòa bình. Quyền hòa bình là một quyền chính đáng và được đặt ngang bằng, không thể tách rời với các quyền tự do căn bản, công bằng của con người”.

 

 

Ngoài ra, tôi cũng muốn kiến nghị thêm điểm nữa, đó là cũng về một khái niệm tuy không phải là mới để chính thức “hiến pháp hóa” khái niệm này, đó là khái niệm “phát triển bền vững”. Khi nghiên cứu hiến pháp của một số nước tôi thấy người ta hay nói đến khái niệm Hiến pháp thế hệ thứ tư, tức là hiến pháp được thông qua vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đó là sự xuất hiện khái niệm phát triển bền vững trong bộ luật cơ bản các quốc gia. Ví dụ như trong Hiến pháp của Thụy Sỹ, Hungaria hay đặc biệt là trong Hiến pháp của những nước đang phát triển như Liberia, hay nhà nước Ê-ri-t’ria…, khái niệm phát triển bền vững được khẳng định trong Hiến pháp như một nguyên tắc, giá trị cao nhất, là mục đích của một quốc gia. Việc “hiến pháp hóa” khái niệm “phát triển bền vững” theo tôi là cũng đúng với xu thế phát triển chung của thời đại. Như vậy, thực chất kiến nghị này là bổ sung vào điều 12 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi và chỉ bổ sung thêm phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của loài người.

Tôi cũng muốn có một kiến nghị nhỏ nữa vào thiết chế Chủ tịch nước ở điều 91 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Trong dự thảo Hiến pháp lần này ở điều 4 đã khẳng định Đảng ta là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tôi kiến nghị bổ sung vào điều 91 về thiết chế Chủ tịch nước cho phù hợp với điều 4 của Hiến pháp. Cụ thể là “Chủ tịch nước là lãnh đạo Đảng, Nhà nước thay mặt cho nước CHXHCN Việt Nam trong các hoạt động đối nội và đối ngoại".

PV: Qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, ông có nghĩ rằng Hiến pháp sửa đổi sẽ được sự đồng tình rất lớn của cộng đồng ta và mọi công dân Việt Nam?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tôi nghĩ rằng bản dự thảo Hiến pháp này được chuẩn bị rất công phu và nhìn chung cũng bắt kịp xu thế chung của thời đại. Ví dụ như bổ sung thêm những phần cụ thể hóa về quyền con người; những khái niệm mới về sự phát triển bền vững, trong đó có nói về bảo vệ môi trường và quyền được sống trong môi trường trong lành… Tôi nghĩ là lần này nhân dân sẽ tích cực tham gia góp ý cho dự thảo và tôi tin tưởng chúng ta sẽ có được bản Hiến pháp tương đối hoàn chỉnh, góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền và bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên