Giao ban Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Quy định 89 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cả 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.  

Sáng 28/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc đã diễn ra hội nghị giao ban ba Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Quy định 89 của Bộ Chính trị về tổ chức và hoạt động của các Ban chỉ đạo. Tham dự hội nghị có ông Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các Ban chỉ đạo, đại diện văn phòng trung ương Đảng, văn phòng chính phủ.

Hội nghị đánh giá: Sau ba năm thực hiện Quy định 89 của Bộ Chính trị, hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn; tổ chức đã được củng cố theo hướng thống nhất, đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Mối quan hệ giữa cơ quan thường trực các ban chỉ đạo với các thành viên kiêm nhiệm được xác định  rõ hơn, thường trực các ban đã chủ động và thể hiện rõ hơn nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương trên địa bàn. Bên cạnh đó là đề xuất được nhiều nội dung công tác xác thực với tình hình như: chuyên đề phát triển nông thôn Tây Bắc, phát triển cây cao su, hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt – Lào, chính sách dạy nghề vùng dân tộc thiểu số, chính sách tạm trữ cà phê, phương án xây dựng tuyến dân cư vùng ngập lụt; xây dựng đề án về chính sách đặc thù để thu hút vốn đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long… góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Việc mở rộng địa bàn hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng biên giới đã giúp Trung ương theo dõi, nắm tình hình, chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề cụ thể hơn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: Quy định 89 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cả 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện các ban vẫn còn thiếu cán bộ chuyên môn, chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa đủ khả năng tập trung nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Một số thành viên kiêm nhiệm ở các bộ, ngành và các tỉnh chưa chủ động phối hợp với thường trực các Ban  chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ. Sắp tới các ban cần xây dựng quy chế, quy định cho từng vị trí để huy động được tránh nhiệm của từng thành viên, xây dựng quy chế phối hợp giữa ban chỉ đạo với các bộ, ngành trung ương để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ban.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ ký cam kết của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ cho đồng bào buôn Đrang Phốc, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc. Hiện công ty đang xây dựng thuỷ điện Đrang Phốc với công suất 30 Mw, người dân của buôn được công ty hỗ trợ đóng góp 5% vốn cổ phần. Khi thuỷ điện hoạt động, dự kiến mỗi năm buôn Đrang Phốc sẽ có thêm nguồn thu từ 5 đến 6 tỷ đồng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đây là một trong những hoạt động mà Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hỗ trợ cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, tạo nguồn lực cho người dân phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên