Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn là bài toán khó
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực trạng vô cùng day dứt hiện nay, gây tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Được rút hay không và rút bao nhiêu?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, thực tế cho thấy, mặc dù các cơ quan, tổ chức đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến nhưng trong những năm qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa có xu hướng giảm.
Đây là một vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân, đặc biệt những trường hợp cần rút bảo hiểm xã hội một lần đều là những trường hợp thường có khó khăn về kinh tế, vì vậy sẽ rất dễ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Nữ đại biểu lưu ý, nếu không có những quy định triệt để, thì rất khó có thể xoá bỏ tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thì dường như việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút bảo hiểm một lần từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025) là chưa thực sự phù hợp.
Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các quy định cần siết chặt theo 2 khía cạnh khác nhau. Thứ nhất, đó là trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội
Thứ hai, đó là quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần. Từ việc hạn chế, siết chặt bằng các quy định sau đó mới có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đại biểu đề nghị tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó nghiên cứu đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, cần tôn trọng quyền rút hay không rút BHXH một lần của người lao động. Thực tế mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, không phải ai cũng có chỗ dựa vững chắc và vì thế Nhà nước cần có giải pháp đảm bảo, làm sao “không để nốt nhạc trầm buồn khi tổi già và là gánh nặng cho gia đình khi xế chiều”.
Ông nhấn mạnh cần tác động bằng các chính sách, tuyên truyền, thuyết phục, tạo niềm tin và làm cho người lao động hiểu. Ông dẫn chứng nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của BHXH so với các loại hình bảo hiểm khác, bởi bảo hiểm khác tuyên truyền nhiều đến mức người lao động tưởng rằng đó là khoản đầu tư sinh lời trong tương lai, thể hiện qua nhiêu vụ việc vừa qua.
Vị đại biểu này nêu quan điểm, trong trường cho rút BHXH một lần thì người lao động chỉ được rút phần do mình đóng, còn phần do tổ chức đóng thì cần giữ lại, với mục tiêu đảm bảo đời sống người lao động khi tuổi già.
Chế độ với người tham gia BHXH tự nguyện ít được nhắc đến
Đề cập quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho biết: " Thời gian vừa qua, tôi được biết cơ quan soạn thảo, Công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ người lao động để nghe tâm tư nguyện vọng và những đề xuất của họ đối với Luật BHXH được đưa ra Quốc hội sửa đổi lần này. Tất cả những ý kiến đó đều là những lao động đã và đang tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi mục tiêu Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 có nêu “cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.”.
Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì chúng ta đang tập trung cả hệ thống chính trị để vận động toàn dân tham gia BHXH tự nguyện. Điều mà đại biểu quan tâm là chế độ đối với những người tham gia BHXH tự nguyện rất ít được nhắc đến.
Bà Trần Thị Hiền đề nghị ban soạn thảo tính toán giải pháp để cụ thể hóa những định hướng “mở rộng độ bao phủ” và “nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động trong khu vực phi chính thức” theo Nghị quyết 28.
BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cùng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22% (người tham gia tự nguyện vẫn cao hơn người tham gia bắt buộc), tuy nhiên, quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện có phần hạn chế hơn so với người tham gia BHXH bắt buộc.
Bà Hiền dẫn chứng, hiện nay đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 2 chính sách hưu trí và tử tuất, hiện dự thảo luật đề nghị bổ sung chính sách thai sản (là 2 triệu đồng).
Điều 65 nêu về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người tham gia BHXH bắt buộc, tuy nhiên, đối với người tham gia BHXH tự nguyện thì chưa có quyền lợi này.
Hay về trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH bắt buộc chỉ cần thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên ,trong khi trợ cấp mai táng đối với người tham gia BHXH TN phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên.
“Để người dân lựa chọn và có chính sách phù hợp thì sự tham gia tự nguyện sẽ bền vững hơn, từng bước đáp ứng được mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiến đến BHXH toàn dân nhanh hơn” – bà Hiền nói.
Nữ đại biểu đề nghị cần quan tâm đến BHXH tự nguyện đa tầng, cân đối phù hợp các chính sách giữa các hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, có gói dịch vụ phù hợp để khuyến khích người dân chủ động hơn tham gia BHXH, vì BHXH là một trong những trụ cột chính trong an sinh xã hội, thiết kế nhiều gói chính sách để người lao động được quyền lựa chọn hình thức và mức độ tham gia.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) bày tỏ quan tâm đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó, nữ đại biểu thống nhất với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng như Chính phủ đã đề xuất, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng như nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, nhóm người làm việc không trọn thời gian, nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp.
Nữ đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội… để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.