Nhà tạm lánh cho những phụ nữ yếu thế

VOV.VN - Cuối quý 3 năm nay, tỉnh Quảng Ninh sẽ khôi phục lại "nhà tạm lánh" cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành và xâm hại tình dục.

Đây là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi ứng phó với bạo lực giới đang ngày càng phức tạp; là nơi giúp họ ổn định tinh thần và có sự sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ để vượt qua hoàn cảnh.

"Ngôi nhà bình yên" cho trẻ em và phụ nữ yếu thế được đặt tại tầng 4 cuả Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.

“Rất nhiều phụ nữ đến với nhà tạm lánh đều có chung cảm xúc là nơi họ dám nói, dám chia sẻ những câu chuyện xót xa của cuộc đời. Người phụ nữ sau khi từ trung tâm về họ thay đổi cách nhìn,cách nghĩ, và mạnh dạn tự tin hơn khi ra các quyết định liên quan đến cuộc đời và hạnh phúc của phụ nữ.”

Đó là nhận xét của chị Trần Thanh Thủy, Trưởng ban Kinh tế Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ninh- người có gần 10 năm gắn bó với vai trò là điều phối viên của “ngôi nhà bình yên”. Những người phụ nữ bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần thậm chí là có dấu hiệu trầm cảm, muốn quyên sinh nhưng đã tự tin tổ chức lại cuộc sống với sự lạc quan sau khi đến với “ngôi nhà bình yên” của Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh quản lý. Dù thiết thực, nhưng dự án hoạt động dựa trên nguồn tài trợ nên khi không còn kinh phí đã ngừng hoạt động cách đây 4 năm.

Trước thực trạng này, Dự án "Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã chọn Quảng Ninh để tiếp tục thực hiện việc làm nhân văn, hướng tới đảm bảo an toàn cho phụ nữ và bé gái. Dự án sẽ được đặt tại tầng 4, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh với quy mô đầy đủ các phòng chức năng từ tiếp nhận, khám sức khỏe đến tư vấn, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ cư trú trong thời gian dài.

Ông Đoàn Thiết Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đối với Quảng Ninh việc triển khai dự án là rất cần thiết. Từ trước đến giờ chúng tôi đã thực hiện chức năng này nhưng tập trung tại các cơ sở huyện thị. Khi có đối tượng chúng tôi cũng đến tư vấn, can thiệp và giới thiệu sinh kế. Mong muốn của chúng tôi là sẽ sớm có mô hình này để kết nối và hỗ trợ cho những phụ nữ và trẻ em yếu thế khi bị xâm hại và bị bạo lực.”

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền của Quỹ dân số Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay dự án đang gặp phải là sự phối hợp giữa các bên liên quan: “ Ở trên thế giới người ta làm mô hình này rất tốt, còn ở Việt Nam thì rất ít và dịch vụ chưa được chuyên nghiệp trong khi nạn nhân có rất nhiều.

Hiện nay có một số nhà tạm lánh của Hội phụ nữ đang được duy trì tại Hà Nội, Cần Thơ và một số nơi khác trong cả nước. Khi nạn nhân đến phải đảm bảo các nhu cầu được kết nối liên thông với nhau từ y tế, công an đến tư vấn pháp luật chứ không thể họ vừa trình bày với công an xong lại đến với hội phụ nữ để trình bày. Vô hình chung là họ bị bạo lực kép. Mặc dù là thí điểm nhưng chúng tôi mong là mô hình này sẽ đưa ra được những bài học từ đó các Bộ, ngành sẽ đưa ra những chính sách, những khuyến nghị để nhân rộng sang các nơi khác để đảm bảo rằng dù nạn nhân ở đâu thì họ vẫn được sử dụng các dịch vụ này.”

Trong lộ trình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) sẽ hỗ trợ cho 63 địa phương triển khai mô hình nhà tạm lánh. Để mô hình này hoạt động hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm. Bà Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm Phụ nữ phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có ý kiến: “ Muốn làm hiệu quả và hỗ trợ được nạn nhân tự tin tổ chức lại cuộc sống không còn bạo lực, nó phụ thuộc vào những người làm ở đó có tận tâm, có vì sự an toàn của nạn nhân và đưa được trách nhiệm của đối tượng ra không. Chứ không thể nhìn vào vỏ bề ngoài để đánh giá, mà chủ yếu là có giúp được đối tượng làm lại cuộc đời và nói không với bạo lực.”

Việc đầu tư triển khai xây dựng Nhà tạm lánh cho thấy những quan tâm của nhà nước trong công tác thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy là yêu cầu bắt buộc trong chuỗi ứng phó với bạo lực giới nhưng Nhà tạm lánh vẫn được coi là giải pháp tình thế. Để có bước tiến dài trong mục tiêu thực hiện bình đẳng giới thì điều quan trọng là cần phải có các chương trình dài hơi tác động đến cả phụ nữ lẫn nam giới nhằm giúp họ hiểu sâu sắc về bình đẳng giới, hiểu luật pháp để bảo vệ hạnh phúc gia đình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hơn 10.000 người đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái
Hơn 10.000 người đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái

VOV.VN - Hôm nay (22/10), tại Hà Nội đã chính thức diễn ra chương trình Đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, thu hút hơn 10.000 người tham gia.  

Hơn 10.000 người đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái

Hơn 10.000 người đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái

VOV.VN - Hôm nay (22/10), tại Hà Nội đã chính thức diễn ra chương trình Đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, thu hút hơn 10.000 người tham gia.