Khu di tích Tân Trào được xếp hạng đặc biệt

Nơi cách đây 67 năm đã diễn ra những sự kiện quan trọng, quyết định vận mệnh toàn dân tộc, đưa đến Cách mạng Tháng Tám thành công.

Sáng 16/8, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, công bố quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương, các nhân chứng lịch sử…

Đồng chí Lê Hồng Anh trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cho lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Buổi lễ diễn ra ngay tại địa danh lịch sử Tân Trào- nơi cách đây 67 năm về trước đã diễn ra những sự kiện quan trọng, quyết định vận mệnh toàn dân tộc, đưa đến Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ông Chẩu Văn Lâm, đã ôn lại những năm tháng sục sôi cách mạng nhưng cũng tràn đầy lòng tự hào của quê hương cách mạng Tân Trào - Tuyên Quang. Ngày 16/8/1945, dưới mái đình Tân Trào - huyện Sơn Dương, các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp quốc dân Đại hội, tiền thân của Quốc hội Việt Nam ngày nay.

Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến thành tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời. Dưới bóng đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng quân tiến về Hà Nội.

Đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, một lần nữa Tuyên Quang lại trở thành thủ đô kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính Phủ, Mặt trận và 65 cơ quan ban ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc. Cũng chính tại mảnh đất Tuyên Quang, Bác Hồ đã sống và làm việc trong thời gian gần 6 năm lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc chủ đề "Sắt son quê hương Tân Trào" (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Ông Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh: Đánh giá rõ vị thế, tầm vóc của khu di tích lịch sử Tân Trào, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Đảng và Nhà nước quyết định xếp hạng khu di tích lịch sử quốc gia Tân Trào là khu di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng, giá trị to lớn của khu di tích Tân Trào, là niềm vinh dự; đồng thời là trách nhiệm của tỉnh Tuyên Quang trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, phục vụ  công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Hồng Anh một lần nữa khẳng định vai trò lịch sử quan trọng của mảnh đất Tuyên Quang nói chung và khu di tích lịch sử Tân Trào nói riêng. Đồng chí Lê Hồng Anh cũng biểu dương tinh thần hy sinh, hết lòng vì cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Suốt những năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình, đó là xây dựng, chiến đấu bảo vệ thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Hồng Anh mong muốn trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khai thác triệt để các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh miền núi phát triển toàn diện, vững bước đi lên cùng cả nước trên con đường đổi mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên