Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa 7

Kinh tế phục hồi, văn minh đô thị chưa chuyển biến

Kỳ họp đã dành thời gian để phân tích 2 chỉ tiêu chưa đạt được và cũng là hai chỉ tiêu đạt thấp hơn so với năm 2008.

Hôm nay (9/12), ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 17,  Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh khóa 7, có nhiều vấn đề được đặt ra. Đáng chú ý là các ý kiến đánh giá về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong năm 2009 và một số bức xúc của người dân vẫn chưa được giái quyết.

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đều đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn trước và quý 4 này là 10,3%. 18/20 chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch cũng là một thành công lớn. Kỳ họp đã dành thời gian để phân tích 2 chỉ tiêu chưa đạt được và cũng là hai chỉ tiêu đạt thấp hơn so với năm 2008. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 7,5%  trong khi năm 2008 là 10,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 17,7% so với năm 2008. Các đại biểu cũng nhìn nhận rằng, nguyên nhân chưa đạt chủ yếu là do tình hình chung.

Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế trên toàn cầu khiến một số ngành dịch vụ chủ yếu có đóng góp vào mức tăng kinh tế cũng giảm hoặc tăng chậm lại như: xuất khẩu, du lịch, chứng khoán, bất động sản. Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do dầu thô giảm giá so với năm 2008; số đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm mạnh, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp… Vì vậy, cần phải đặt sự phát triển của thành phố trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng để so sánh, mới thấy được sự nỗ lực vượt bậc của cả thành phố. Dù kinh tế tăng trưởng không cao hơn năm ngoái, nhưng luôn phát triển theo chiều hướng đi lên. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh lý giải: “So sánh chỉ tiêu tăng trưởng phải so sánh với tình hình ổn định tương đối. Năm 2008, 2009 biến động vô cùng lớn, hai chỉ tiêu đó của Tp.HCM không đạt là đúng. Vì trong điều kiện suy thoái, không nước nào cho nhập khẩu nhiều, thứ hai là kinh tế thế giới suy giảm, khủng hoải tài chính thì GDP làm sao tăng trưởng cao được, đảm bảo tăng trưởng dương đã là một thành công lớn”.

Một vấn đề cũng đã nóng lên trong ngày họp đầu tiên là những bức xúc, kiến nghị của cử tri về những việc còn tồn tại như: tình trạng đào đường, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quy hoạch treo… Theo các đại biểu, đây là những việc không mới nhưng cả năm nay chưa được giải quyết và thực trạng này phát sinh do tiến độ thi công các công trình trọng điểm của thành phố quá chậm. UBND thành phố cũng nhìn nhận là ở nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực, tiến độ xây dựng các công trình này có thể đẩy nhanh hơn nếu như có sự phối hợp tốt hơn, trách nhiệm hơn giữa các ngành, các cấp. Có những dự án kéo dài nhiều năm do nguyên nhân khách quan nhưng khi lãnh đạo thành phố trực tiếp lắng nghe và chịu trách nhiệm thì được giải quyết ngay. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tập trung, kiên quyết giải quyết các bức xúc, tồn tại liên quan đến đời sống an sinh xã hội.

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nói: Một số vấn đề tồn tại dai dẳng trong phát triển đô thị của thành phố thì phải có những biện pháp giải quyết đột phá, có kết quả cụ thể, nếu không sẽ chỉ là kết quả chung chung, tốn kém kéo dài và không cải thiện được đời sống của người dân”.

Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đang phân tích, nhìn nhận thật rõ những mặt được và chưa được của thành phố để đề ra những giải pháp giải quyết các tồn tại, đồng thời đưa ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội thật hợp lý trong năm 2010. Các đại biểu yêu cầu chính quyền thành phố phải cố gắng hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để đưa thành phố phát triển, mà trước hết là giải quyết những bức xúc, kiến nghị của cử tri.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nói: “Những vấn đề bức xúc vẫn còn lớn và người dân rất quan tâm, đó là kết cấu hạ tầng đô thị còn yếu kém, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tôi vẫn chưa vững chắc. Do vậy mà sắp tới, nội hàm và chất lượng của sự tăng trưởng phải được quan tâm, quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung cho những ngành công nghiệp mũi nhọn có sức cạnh tranh cao, có khoa học công nghệ khá hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên