Lao động hợp đồng mùa vụ được tham gia BHXH bắt buộc
VOV.VN -Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 30, sáng nay (13/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Quy định rõ để hạn chế sự lách luật
Các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với việc Luật BHXH sửa đổi bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc .
Trước đó, khi cho ý kiến về nội dung trên, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc bổ sung đối tượng này vào diện tham gia BHXH bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội; một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này do công tác quản lý đối tượng, thu – chi phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lao động còn hạn chế.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.
Đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH.
"Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật lao động, Luật việc làm, Luật doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia BHXH và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này", bà Mai nói.
Đồng tình cao với quy định, ông Đặc Ngọc Tùng- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc này sẽ góp phần tăng lượng người tham gia bảo hiểm y tế và hạn bớt sự lách luật của người tuyển dụng lao động.
“Nếu hỏi chủ sử dụng lao động về việc đóng bảo hiểm thì tôi cam đoan đại đa số không muốn đóng đâu và họ nêu ra nhiều lý do thế này thế kia. Vì quyền lợi lâu dài của người lao động, Luật phải quy định chặt chẽ”, ông Tùng nói.
Hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Về việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH, Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình ra 2 phương án xin ý kiến Ủy ban Thườn vụ Quốc hội.
Theo đó, phương án 1 đề nghị quy định đối tượng này thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ vì đối tượng này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp, thời gian làm việc không trọn ngày và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (các chế độ của BHXH bắt buộc).
Phương án 2 là tán thành việc áp dụng BHXH bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của nhà nước đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đồng thời khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện BHXH bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).
Nhìn chung, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung người lao động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH tự nguyện nhưng Nhà nước có hỗ trợ. Tuy nhiên cần có lộ trình phù hợp, đồng thời có sự ràng buộc nâng cao hiểu quả hoạt động của những người này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần có thời gian để tuyên truyền cho người dân hiểu. Chính phủ căn cứ vào khả năng, điều kiện và tình hình để có mức hỗ trợ cho đối tượng này đóng tự nguyện.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, ông Nguyễn Đức Hiền, vấn đề này cũng được kiến nghị nhiều qua tiếp xúc cử tri: “Họ không chuyên trách và được hiểu là làm bán thời gian nhưng khi xã phân công thì có khi phải làm hết cả ngày. Phụ cấp cũng tùy hoàn cảnh địa phương mà HĐND quyết định và thực tế nơi thấp, nơi cao nên chưa công bằng. Ở vùng sâu, vùng xa những người này có khi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, do đó nên tạo chơ chế cho họ. Tương lai khi xây dựng luật chính quyền địa phương cũng nên tính toán có cơ chế cho những người này”./.