“Luật sư không thể lúc nào cũng nói thân chủ vô tội”

Nhiều ý kiến cho rằng, luật sư phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói sai, và điều này cần phải được quy định trong luật.

Cần quy định trách nhiệm của luật sư

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, sáng 6/6, các ý kiến đều khẳng định, luật sư có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng. Do đó, chất lượng đội ngũ luật sư được nâng cao cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp nói chung.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc), dự thảo luật sửa đổi cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của luật sư và kèm theo đó là chế tài xử lý. Bởi có khi, “bị cáo nghe theo lời luật sư cứ khăng khăng không nhận tội nhưng sau đó được chứng minh là có tội thì nghiễm nhiên không được xem xét tình tiết giảm nhẹ, vì anh không thành khẩn”.

Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng đội ngũ luật sư chất lượng là yêu cầu của cuộc sống
Đại Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) cho rằng, luật sư muốn bảo vệ thân chủ, nhưng không thể lúc nào cũng khẳng định thân chủ vô tội khi chưa thể chứng minh. Do đó, luật sư phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói sai.

Còn đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh), việc xây dựng một đội ngũ luật sư chất lượng là yêu cầu của cuộc sống, nhưng cần phải quản lý căn cơ. Vì có những người nhân danh luật sư, đoàn luật sư để làm những việc không đúng, nhưng chưa thấy ai nhắc nhở.

“Đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì về quản lý nhà nước về hoạt động của luật sư, đoàn luật sư. Phải có chế tài xử lý vi phạm, có điều kiện, giám sát quản lý về việc luật sư bảo vệ không đúng”, đại biểu đề nghị.

Làm rõ điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư.

Đối với một số đối tượng đã từng đảm nhiệm các chức danh tư pháp thì phải bảo đảm có đủ 5 năm thực tế công tác trở lên mới được xem xét cho miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. 

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, nên phân làm hai đối tượng để miễn đào tạo nghề luật sư. Theo đó, người hoạt động luật sư tư vấn thì cần đào tạo về tố tụng, và ngược lại.

Đa số ý kiến cho rằng, để được bổ nhiệm các chức danh tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian công tác thực tiễn nhất định, vì vậy, việc quy định phải có thêm thời gian 5 năm trở lên giữ các chức danh đó mới được miễn đào tạo nghề luật sư là không hợp lý.

Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, nghề tố tụng rất đặc biệt, không phải ai làm công tác pháp luật cũng có thể tố tụng. Có những thẩm tra viên, kiểm tra viên ở Viện Kiểm sát phải được đào tạo mới hành nghề luật sư.

Không nên cho phép viên chức giảng giạy làm luật sư

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật làm luật sư nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư, góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư, tạo điều kiện cho viên chức giảng dạy pháp luật có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, quy định trên là không phù hợp. Bởi lẽ, việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng và hoạt động tố tụng chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính, do đó giảng viên không thể làm thêm nghề trong giờ hành chính. Như vậy, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng.

“Muốn xây dựng đội ngũ luật sư chuyên sâu, mang tầm quốc tế thì trước tiên phải chuyên nghiệp. Nếu thiết tha yêu nghề luật sư thì bỏ viên chức giảng dạy đi làm luật sư, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng. Còn nếu là làm thêm thì phải ngoài giờ, trong khi hoạt động tố tụng làm gì có chuyện ngoài giờ”, đại biểu Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều đại biểu nhất trí với đề xuất là ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Vì việc mở rộng quyền yêu cầu bào chữa không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề luật sư mà còn bảo đảm tốt hơn quyền lợi của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm người thân của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ để việc thực thi được thống nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên