Đại hội toàn quốc lần thứ VII MTTQ Việt Nam

Ngày hội của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Với sự chuẩn bị công phu và có nhiều đổi mới, dân chủ, Đại hội đã thực sự là ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong hệ thống chính trị và trong các tầng lớp nhân dân.

Đại hội VII MTTQ Việt Nam thành công tốt đẹpÔng Huỳnh Đảm tái đắc cử Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá VII / Nâng cao vai trò giám sát và phản biện của Mặt trậnKhai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần VII

Trong 3 ngày qua, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Đại hội diễn ra trong không khí thắm đượm tình đoàn kết của các giai cấp, tầng lớp nhân dân 54 dân tộc anh em, các tôn giáo, nhân sỹ, trí thức, các doanh nhân và kiều bào ta ở nước ngoài.

Đại hội đã tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao của các đại biểu khi góp ý vào các văn kiện trình Đại hội, trong đó nhấn mạnh đến kết quả đã đạt được của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị của nước ra trong điều kiện mới.

Các đại biểu dân tộc thiểu số dự Đại hội

Một nội dung xuyên suốt trong những ngày diễn ra Đại hội và cũng là nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận là việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hầu hết các đại biểu dự Đại hội, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế tục vai trò lịch sử của Mặt trận qua các thời kỳ, MTTQ Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động và có đóng góp tích cực vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Đại hội cũng chỉ ra yêu cầu số một trong giai đoạn mới là phải tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà cốt lõi và trước hết là phải phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Thực hiện việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân vừa bằng tổ chức, vừa bằng các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động xã hội góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Các đại biểu là tu sĩ, trí thức

Vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vai trò của Mặt trận trong giám sát và phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ” và “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, MTTQ các cấp đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động giám sát đối với hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên; tham gia góp ý xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành. Tuy nhiên, theo các đại biểu, do nhiều nguyên nhân, trong đó chưa có một cơ chế đầy đủ cũng như các điều kiện đảm bảo chưa tốt nên hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam còn chưa cao.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trao tặng bức trướng cho Đại hội

Cùng với đó, vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng do thiếu cơ chế cụ thể và đầy đủ nên việc triển khai còn nhiều khó khăn. Hoạt động phản biện của MTTQ và các tổ chức thành viên chủ yếu mới là hoạt động góp ý kiến, kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong quá trình dự thảo các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đến các hoạt động của MTTQ Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, phản biện xã hội khác với góp ý, kiến nghị ở mức độ cao hơn, sâu hơn. Hoạt động này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách pháp luật đẩy đủ, đồng bộ và tổ chức thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc.

Trong các ngày Đại hội, một hình thức sinh hoạt được nhiều đại biểu đánh giá cao, được xem là sự đổi mới trong công tác sinh hoạt Mặt trận là việc tổ chức các trung tâm thảo luận về các chủ đề thiết thực, liên quan đến chủ đề Đại hội cũng như công tác Mặt trận, liên quan mật thiết đến mọi mặt của đời sống xã hội, như: vai trò của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong phát huy dân chủ XHCN, tham gia giám sát và phản biện xã hội, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước…. Theo đa số ý kiến các đại biểu, việc đổi mới trong phương thức sinh hoạt Mặt trận này đã góp phần phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu đóng góp làm sâu sắc thêm các nội dung chính trong chương trình Nghị sự của Đại hội.

Với sự đồng thuận cao của các tổ chức, các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, Đại hội VII MTTQ Việt Nam thực sự là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nên những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên