Phó Chủ tịch Quốc hội: Thay thế cán bộ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

VOV.VN - Dự và phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 15 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Quảng Nam siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, nhất là người đứng đầu

Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, tác phong công vụ

Sáng 11/7, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ 15 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Quảng Nam có 13/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết đề ra. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ; tổng lượng khách tham quan, lưu trú tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; Thu ngân sách nhà nước đạt 44% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 57% so với cùng kỳ. Một số ngành, lĩnh vực thu đạt và vượt như: thủy điện, bia và nước giải khát, du lịch.

Theo ông Phan Việt Cường, công tác lập quy hoạch còn chậm; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm chưa đúng tiến độ; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX), hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022 tụt hạng.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, kỳ họp lần này sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung chuyên đề quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội trong năm 2023 và giai đoạn 2022 - 2025.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chỉ ra những điểm thiếu tươi sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Quảng Nam, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022; xây dựng gặp khó khăn do giá cả và thiếu nguyên vật liệu; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 26,2%; vốn đầu tư toàn xã hội giảm 8,2%...; Quy mô nền kinh tế thu hẹp hơn 1,5 ngàn tỷ đồng; Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,7%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tập trung hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Quảng Nam siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Bám sát các quy định của pháp luật, xây dựng giải pháp phù hợp, kịp thời đối với công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, cung ứng đầy đủ cho các bệnh viện, trung tâm y tế công lập.

HĐND thành phố Cần Thơ thông qua 16 dự thảo nghị quyết

Ngày 11/7, kỳ họp thứ 11 của HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã diễn ra phiên bế mạc. Tại phiên bế mạc HĐND thành phố Cần Thơ đã thông qua 16 dự thảo Nghị quyết trên các lĩnh vực, làm cơ sở để HĐND, UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Tại kỳ họp Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã báo cáo giải trình làm rõ 4 vấn đề về tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách nhà nước; phương án tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 3,71%, xấp xỉ mặt bằng chung của cả nước 3,72%. Tuy nhiên, với kế hoạch đặt ra của cả năm là 9,5 - 10% thì đây là một thách thức và áp lực lớn trong những tháng cuối năm. Đối với thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm đạt hơn 5.170 tỷ đồng, đạt 46,86% dự toán của Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, giảm hơn 9% so với cùng kỳ.

Về phương án xử lý tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trên địa bàn và vấn đề thứ 4 là giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố. Giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố chỉ đạt 37% kế hoạch cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng để giải ngân đạt tối thiểu 95% theo kế hoạch được bố trí thì chủ đầu tư các dự án cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Trước áp lực giải ngân vốn đầu từ công, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, sẽ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân chậm và luân chuyển cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nêu rõ: "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện ngay luân chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết; đánh giá khách quan, xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm 2023. Kiên quyết thay thế hoặc đề xuất thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quản lý đầu tư công theo Công điện số 92 ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ".

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quản lý chặt chẽ chi ngân sách, bố trí, sử dụng ngân sách minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định; Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo các Nghị quyết của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ yêu cầu chủ động các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn và có phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ, phục hồi một số ngành, lĩnh vực quan trọng chịu tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 như logistics, hàng không và du lịch. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển đồng bộ, ổn định, bền vững các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản.

HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025 khai mạc kỳ họp thứ 16

Sáng 11/7, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025 khai mạc kỳ họp thứ 16, nhằm tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023; xem xét, thông qua các nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo điều hành của địa phương 6 tháng cuối năm và thời gian tới.

Theo đó, các đại biểu sẽ xem xét thông qua các nghị quyết giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh...

Đặc biệt, kỳ họp sẽ xem xét và thông qua các nghị quyết về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cao như: Nghị quyết quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đãi ngộ đối với bác sỹ đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người  tộc thiểu số trên địa bàn...

Ngoài ra, HĐND tỉnh Lai Châu cũng sẽ xem xét các báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh; thảo luận, quyết nghị 18 dự thảo nghị quyết quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong thời gian tới...

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm nay; từ đó, xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như quyết nghị các nghị quyết đảm bảo phù hợp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Kỳ họp HĐND tỉnh Lai Châu sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 13/7.

HĐND tỉnh Thanh Hóa thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Tiếp tục Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, sáng 11/7, các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng.

Trong phiên họp sáng nay, các đại biểu HĐND đã tập trung phân tích, thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2023, phân tích những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải pháp những tháng còn lại của năm 2023.

Cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thực tế cho thấy hàng loạt dự án đình trệ, khó triển khai, có yếu tố bất hợp lý trong quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống kiến nghị "làm sao để xác định giá đất hợp lý đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, nhưng phải quản lý được giá đất để đưa về 3 mức giá đất trùng nhau là giá công khai, giá thực tế và giá trong quyết toán". Cho biết hiện nay giá mua đất là 49 nghìn đồng, giá công bố 35 nghìn đồng và quyết toán bằng giá công bố, theo đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, mỗi mét khối đất lỗ hơn 10 nghìn đồng, vì thế doanh nghiệp không dám thi công.

Đại biểu Phạm Kim Tân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Thanh Hóa cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án.

Đại biểu Phạm Kim Tân cho rằng "vẫn còn một số sở, ngành chưa quan tâm đúng mức, đến khi báo cáo công trình, dự án bị trùng lặp, không đúng quy định pháp luật, vẫn còn đề án không thực sự cần thiết; vẫn còn một số sở, ngành chưa thực sự tập trung quan tâm đến nghiên cứu chuẩn bị để có đề án chất lượng tốt, mà có tâm lý khoán trắng cho đơn vị tư vấn, dẫn đến nội dung một số chương trình, đề án quá hạn, phải gia hạn báo cáo nhiều lần, chất lượng hạn chế, một số chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, gây lãng phí về thời gian, nguồn lực của tỉnh.

Đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Cầm Bá Lâm, Chủ tịch HĐND huyện Thường Xuân cho biết: "Bằng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm, thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Chúng tôi cũng chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; đặc biệt là các tập thể, cá nhân liên quan đến việc khảo sát, lập đề án và tư vấn".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

An toàn thông tin mạng làm nóng kỳ họp HĐND TP.HCM
An toàn thông tin mạng làm nóng kỳ họp HĐND TP.HCM

VOV.VN - Nhiều đại biểu phản ánh tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu hay những cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo từ bao lâu nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

An toàn thông tin mạng làm nóng kỳ họp HĐND TP.HCM

An toàn thông tin mạng làm nóng kỳ họp HĐND TP.HCM

VOV.VN - Nhiều đại biểu phản ánh tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu hay những cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo từ bao lâu nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 12% trong nửa cuối năm
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 12% trong nửa cuối năm

VOV.VN - Để đạt con số tăng trưởng GRDP trên 11% trong cả năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng 12,3% trong nửa cuối năm

Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 12% trong nửa cuối năm

Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 12% trong nửa cuối năm

VOV.VN - Để đạt con số tăng trưởng GRDP trên 11% trong cả năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng 12,3% trong nửa cuối năm