QH thảo luận dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn

Cho ý kiến về Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), đa số đai biểu nhất trí dự án luật chỉ nên quy định một phương án thời gian nghỉ đẻ là 6 tháng…  

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 16/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan giải quyết tranh chấp lao động

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Công đoàn, đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương): Điều 9 của Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định các hành vi bị nghiêm cấm là phân biệt đối xử về giới tính, sắc tộc, màu da, thành phần xã hội, hôn nhân, tín ngưỡng tôn giáo vì lý do tham gia hoạt động công đoàn nhiễm HIV/AIDS, khuyết tật. Nếu quy định như trên có thể chưa sát với thực tế. Vì hiện nay cơ cấu lao động ở Việt Nam, ngoài lao động trong nước còn có lao động nước ngoài trực tiếp trong các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, ngoài việc lao động tham gia tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp còn tham gia tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể khác. Thực tế có một số doanh nghiệp đã gây khó dễ cho người lao động trong quá trình tham gia lao động tham gia vào các tổ chức này.

Đại biểu đề nghị, để quy định của luật này được toàn diện, đầy đủ, cần bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm: không được phân biệt đối xử về giới tính, về quốc tịch và vì lý do tham gia hoạt động tổ chức xã hội trong các doanh nghiệp. Quy định như vậy sẽ cụ thể và bao quát hơn.

Về tổ chức dịch vụ việc làm, theo đại biểu Phạm Xuân Thăng, thực tế các trung tâm dịch vụ việc làm do các đoàn thể xã hội chủ quản hoạt động hiệu quả chưa được cao. Lao động đào tạo ở các trung tâm này chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp phải đào tạo lại. Vì thế rất nhiều doanh nghiệp tuyển trực tiếp lao động và đào tạo thì chất lượng lực lượng lao động đạt hiệu quả, nhưng không được Nhà nước ưu tiên, ưu đãi chế độ chính sách, về thuế cũng như các chính sách khác. Trong khi đó các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội được cấp ngân sách hàng năm. Đề nghị trong luật cần phải bổ sung thêm những quy định nhằm khuyến kích doanh nghiệp chủ động đào tạo và nhận người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Đa số đại biểu cho rằng, việc giải quyết tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động là hết sức phức tạp. Các cuộc đình công,  nghỉ việc tập thể không chỉ cấp chính quyền, cấp cơ sở vào cuộc mà cả cấp tỉnh vào cuộc mới giải quyết được.

Đại biểu đề nghị, cần đặc biệt quan tâm đến quy định này trong dự án luật vì không khả thi đối với các khu công nghiệp vì hiện nay các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp ngoài tầm với của tổ chức công đoàn cấp huyện, bởi trong các Khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng công nhân rất đông nhưng nằm trong sự quản lý của Ban quản lý các Khu công nghiệp. Nên khi diễn ra tranh chấp lao động tại doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp thì chỉ có công đoàn cấp tỉnh mới làm việc được. Vì thế, đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của liên đoàn lao động tỉnh trong phối hợp tổ chức giải quyết tranh chấp lao động diễn ra ở các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp. Đồng thời quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức giải quyết tranh chấp lao động để tránh đan xen, chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm.

Cho ý kiến về đình công và giải quyết đình công, nhiều đại biểu cho rằng, luật không đả động đến việc dừng việc tập thể, nhưng thực chất việc này cũng là đình công. Hầu hết các cuộc đình công đều không tuân thủ đúng quy trình quy định, nên phần lớn là đình công bất hợp pháp bởi thủ tục, trình tự để có cuộc đình công hợp pháp là rất khó. Ít ở doanh nghiệp nào, người lao động thực hiện được cuộc đình công đúng luật pháp. Đại biểu đề nghị xem xét khái niệm khác ngoài khái niệm đình công như dự án luật hoặc khi có quy định cụ thể thì bỏ khái niệm dừng việc tập thể. 

Về tăng mức đóng góp kinh phí hoạt động công đoàn lên 2%, đa số đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyên (đoàn Lâm Đồng) đề nghị nên cấp nguồn kinh phí này trực tiếp cho đơn vị để sử dụng trong hoạt động công đoàn

Cần bù lương theo trượt giá

Cho ý kiến đóng góp về dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (đoàn Hải Dương) và nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, tuổi nghỉ hưu của người lao động 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ như quy định hiện hành, ngoại trừ một số lao động đặc thù về trí óc có thể bổ sung chính sách riêng với đối tượng này.

Các đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Huỳnh Tuấn Dương cũng đề nghị, nên ban hành luật tiền lương tối thiểu linh hoạt không nhất thiết tăng mỗi năm một lần. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cần quy định chế độ tiền lương thống nhất, không nên chung chung, nếu trượt giá bao nhiêu thì tiền lương phải bù theo tương đương.

Về tăng thêm giờ làm, nhiều đại biểu cho rằng, nên tăng thêm giờ để tạo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên giữ quy định về giờ làm thêm như hiện nay là phù hợp.

Về thời gian nghỉ thai sản, đa số các đai biểu nhất trí dự án luật chỉ nên quy định một phương án thời gian nghỉ đẻ là 6 tháng, để bảo đảm điều kiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên