Quan hệ Việt Nam - Ai Cập đang trên đà phát triển mới

Ai Cập sẽ là cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường Châu Phi  

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Ai Cập Mohamet Hegazy vừa có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam. Trong bối cảnh Ai Cập vừa thành lập một chính phủ chuyển tiếp còn nhiều khó khăn sau các cuộc biểu tình hồi đầu năm, chuyến thăm của ngài Thứ trưởng Ngoại giao tới Việt Nam thể hiện cam kết và quyết tâm của Ai Cập trong việc thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Ai Cập trong tình hình mới.

Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Mohamet Hegazy. Ông cho biết:

- Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Việt Nam. Trong những ngày ở thăm, tôi đã có nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nhiều bộ ban ngành của Việt Nam để trao đổi những biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam – Ai Cập trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, tôi đã có cơ hội được thảo luận với Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam... Đây thực sự là những vấn đề mà Ai Cập hết sức quan tâm. Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi rất thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần 2 bên cùng có lợi và cùng khẳng định các cam kết sẽ tạo các cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt trong cuộc gặp với thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu, chúng tôi đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa gạo. Bởi Việt Nam được biết đến như một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ngoài ra chúng tôi cũng trao đổi các cách thức hợp tác trong lĩnh vực thủy sản. Ai Cập đang là quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam với giá trị lên tới 7,5 triệu USD. Chúng tôi mong muốn qua các cuộc gặp này, chúng ta sẽ thúc đẩy trao đổi đào tạo trong quá trình sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản cũng như lúa gạo.

Không chỉ là đối tác mạnh mẽ của Việt Nam, tôi tin rằng Ai Cập sẽ là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường Châu Phi. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư và du lịch, chúng tôi còn thảo luận về cách thức hợp tác trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ qua cuộc trao đổi với các công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam như Viettel, VNPT…

Chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực chính trị thông qua trao đổi các đoàn ngoại giao. Trong cuộc gặp với ngài Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng tôi đã thống nhất sẽ ký kết các thỏa thuận mới trên lĩnh vực này.

Thứ trưởng NG Ai Cập Mohamet Hegazy và Thứ trưởng
NG Việt Nam Đoàn Xuân Hưng

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai, đặc biệt là những vấn đề trọng tâm trong quan hệ song phương mà ông vừa nhắc tới?

Thứ trưởng Mohamet Hegazy: Như tôi vừa nói, trong các cuộc thảo luận vừa qua, chúng tôi đặt trọng tâm đến lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, một lĩnh vực mà Việt Nam đã đạt được nhiều thành công. Chúng tôi mong muốn hai nước sẽ đạt được một sự hợp tác toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta đang có những tiềm năng rất tốt trong lĩnh vực sản xuất thủy sản. Trao đổi thương mại của 2 nước trong lĩnh vực này những năm qua đang gia tăng đáng kể.

Ngoài ra chúng ta cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dệt may, dược phẩm, công nghệ thông tin và viễn thông. Ngay trong lĩnh vực chính trị ngoại giao, quan hệ hai nước cũng đang ngày càng phát triển. Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ thường xuyên trao đổi các đoàn ngoại giao để tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước để từ đó quan hệ hai bên sẽ ngày càng được phát triển.

PV: Thưa ông, như ông vừa đề cập đến những lĩnh vực mà Ai Cập rất quan tâm để thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. Vậy theo ông, trong giai đoạn hiện nay, Ai Cập đang có những bước đi như thế nào để thực hiện mục tiêu này?

Thứ trưởng Mohamet Hegazy: Tất nhiên là trong giai đoạn hiện nay, Ai Cập đang trải qua những khó khăn nhất định. Các mục tiêu phát triển kinh tế đang trở thành một vấn đề được ưu tiên hàng đầu, trong đó có việc hợp tác và hội nhập với quốc tế. Điều mà tôi nhấn mạnh ở đây là chuyến thăm của tôi tới Việt Nam cũng có ý nghĩa như vậy.

Giai đoạn chuyển tiếp của Ai Cập sau cuộc khủng hoảng chính trị đang tiến đến một nền dân chủ ổn định. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình để tạo một môi trường kinh tế mở, ổn định. Chúng tôi sẽ để ngỏ thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, trong đó hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư, làm ăn ở Ai Cập.

*Vâng xin cảm ơn Thứ trưởng!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên