Quốc hội thảo luận Luật Xuất bản

Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Hoạt động xuất bản là hoạt động văn hóa, tư tưởng thông qua việc in và phát hành xuất bản phẩm đến nhiều người. Tuy nhiên, Luật Xuất bản hiện hành còn nhiều bất cập. Đặc biệt là vấn đề quản lý những ấn bản điện tử.

Theo đại biểu Trần Hồng Thắm, đoàn Cần Thơ, trong thời đại công nghệ thông tin, việc xuất bản và phát hành các xuất bản phẩm rất dễ dàng. Những xuất bản phẩm với những nội dung không phù hợp sẽ dễ dàng được phát tán một cách nhanh chóng, rộng rãi kèm theo những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội, đặc biệt trong việc định hướng tư tưởng, đạo đức cho giới trẻ. Việc có nhiều thiết bị đọc nhờ công nghệ tiên tiến khiến cho việc kiểm soát theo phương thức truyền thống không còn phù hợp.

Từ những lý do trên, đại biểu Trần Hồng Thắm đề nghị: “Đề nghị bổ sung quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả ở điều 5 và bỏ khoản 3 của điều này vì quy định quá chung chung. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định tại khoản 2 điều 6 quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và điều 7 về chính sách phát triển hoạt động xuất bản in, phát hành xuất bản phẩm, trong đó nên xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý tập trung tất cả các xuất bản phẩm, các nội dung có liên quan như tác giả, nhà xuất bản, số giấy phép... khi đó nếu chúng ta muốn kiểm tra ấn phẩm nào trên thị trường thì sẽ có đầy đủ thông tin liên quan để kiểm tra, đối chiếu.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên bày tỏ mối quan ngại về các ấn phẩm được xuất bản lậu đang tràn lan trên thị trường trong nước hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm chưa được đảm bảo, gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất bản chân chính và thiệt hại trực tiếp cho các tác giả.

Ông Đỗ Mạnh Hùng nói: “Chúng ta thử hình dung một tác giả, một nhà xuất bản phải tốn bao công sức, tiền của, thời gian để có thể cho ra đời một xuất bản phẩm thế mà lợi dụng sự phát triển của công nghệ in ấn, sao chụp những kẻ xấu chỉ bằng một số thao tác đơn giản, đầu tư ít, chi phí thấp đã có thể có những xuất bản phẩm lậu với giá bản “áp đảo” giá bán chính thức của nhà xuất bản đó.

Theo tôi, đó không chỉ là tội phạm mà trong nhiều trường hợp đó còn là tội các vì nó phá hoại sự lành mạnh, phá hoại niềm tin trong xã hội vì nó reo rắc vào những người tiếp cận và sử dụng những xuất bản phẩm này suy nghĩ là trong xã hội chúng ta có thể lậu được, có thể ăn cắp được, thậm chí có thể ăn cướp được. Vì vậy tôi đề nghị phải bổ sung những quy định chặt chẽ, những chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi này”.

Trong hoạt động in ấn, hiện cả nước chỉ có khoảng 60 cơ sở in Nhà nước sở hữu 100% vốn, còn lại có trên 1.500 cơ sở in, nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cơ sở tư nhân, có quá nhiều cơ sở in không được cấp phép nên các ấn phẩm đã không được kiểm soát chặt chẽ. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình cho rằng không thể đặt vấn đề chống in lậu, xuất bản lậu khi thị trường kinh doanh xuất bản phẩm bị buông lỏng quản lý. Vì vậy, việc quản lý xuất bản, in, phát hành phải được quản lý đồng bộ, đặc biệt là khâu phát hành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên