Khắc phục tình trạng đổ dồn trách nhiệm lên Thủ tướng

VOV.VN -Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi cần thể hiện rõ sự phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng…

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (30/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).  Cơ bản các ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, đặc biệt trong việc cụ thể hóa những điểm mới trong Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, gia cố thêm trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Thẩm quyền phải đi đôi với trách nhiệm

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội- cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng các nội dung thể hiện trong dự thảo Luật về cơ bản vẫn kế thừa cách tiếp cận trong Luật hiện hành mà chưa đưa ra được những nội dung mới thực sự mang tính đột phá để có thể thực hiện được mục tiêu, quan điểm đã được đề ra như trong Tờ trình của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay và về sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - ông Phan Trung Lý đề nghị rà soát nội dung dự thảo Luật bám sát với các mục tiêu, quan điểm nêu trên để thể chế hóa được đầy đủ và chính xác quy định và tinh thần của Hiến pháp về phân công, phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ vai trò của Chính phủ trong bảo vệ Hiến pháp cũng như cụ thể trách nhiệm: “Có thẩm quyền đi với có trách nhiệm. Nói về quyền nhưng trách nhiệm không thấy nói. Trách nhiệm thi hành Hiến pháp, mà thi hành không tốt thì có chịu trách nhiệm không, chịu trách nhiệm trước ai? Mối quan hệ với Chủ tịch nước mới nói một chiều”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng dự thảo Luật nêu quyền hạn khá rõ nhưng nêu trách nhiểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng chưa rõ; đồng thời đặt vấn đề “có cơ chế từ chức không, báo chí nêu rất nhiều, giờ đổi mới có nêu không?”.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, trách nhiệm của Chính phủ về bảo vệ và thực hiện Hiến pháp là nội dung mà Ban soạn thảo hết sức lưu ý. Trong dự thảo luật cũng đã thể hiện như quy định Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành Luật, pháp lệnh; chức năng thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật thuộc Chính phủ ban hành. Chính phủ thành lập hội đồng thẩm định, đánh giá tác động ban hành luật, pháp lệnh, nghị định; kiểm tra thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo không trái với Hiến pháp. Tiếp thu ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ hơn.

Cụ thể phân quyền để làm rõ trách nhiệm

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng cho rằng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng. Do đó, Ủy ban đề nghị nên xây dựng một Chương quy định về: địa vị pháp lý của Thủ tướng; cơ chế bầu Thủ tướng; thẩm quyền của Thủ tướng; mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ với Chính phủ và với các thành viên khác của Chính phủ.

Ngoài ra, Dự thảo chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được Hiến pháp quy định. Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước là của Bộ, cơ quan ngang bộ hay của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, để từ đó có cơ sở xác định rõ vai trò của cá nhân hay tập thể, đồng thời cũng là để xác định thẩm quyền và quy định rõ trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần tập trung làm rõ cả về lý luận và thực tiễn để cụ thể hóa: Thế nào là cơ cơ quan hành chính nhà nước cao nhất? Thực hiện quyền hành pháp ở những điểm nào? Là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì tính chấp hành ra sao?

Ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng chưa được thể hiện rõ: “Thẩm quyền phải rành mạch, Chính phủ làm cái gì, Thủ tướng, Bộ trưởng làm gì. Ngoài ý kiến bàn bạc xin ý kiến tập thể, còn lại Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Phải phân định chuyên môn hóa chứ không phải Thứ trưởng cứ giúp việc còn dồn trách nhiệm lên Bộ trưởng”.

Cho rằng khắc phục vướng mắc trong Luật này chưa có sự đột phá, ngay cả một số điều luật phản ánh nguyên văn Hiến pháp mà chưa cụ thể hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: ‘Chúng ta phải đưa ra được nguyên tắc, tiêu chuẩn thành lập cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Dự thảo luật ghi rất đơn giản, không thể hiện được yêu cầu đặt ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên