Khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế

VOV.VN -Các hoạt động tại Đại hội đồng IPU 138 và Vương quốc Hà Lan đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáng 30/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công du tham dự Đại hội đồng liên minh nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 138 tại Genève, Thụy Sỹ và thăm chính thức Vương Quốc Hà Lan. Chuyến công du này đã khẳng định được vị trí, vai trò của Việt Nam tại Đại hội đồng liên minh Nghị viên thế giới; đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh cùng các đại biểu dự IPU 138
Những ngày cuối tháng 3, trụ sở của IPU tại Geneva, Thụy Sĩ nhộn nhịp hẳn lên. Nơi đây đã đón tiếp hơn 700 nghị sĩ, đại biểu Quốc hội trên thế giới, trong đó có hơn 60 người đứng đầu Quốc hội, nghị viện các nước tham dự IPU138, cuộc họp thường niên của tổ chức này.

Cũng như các kỳ họp trước, IPU 138 chọn chủ đề mang tính thời sự đang được nhiều nước quan tâm, đó là về người tị nạn và di cư để tìm ra những chính sách giải quyết mang tính khả thi trên thực tế. Trong bài phát biểu của Chủ tịch IPU, hai chữ Việt Nam đã được bà chủ tịch nhắc đến rất nhiều lần như một điểm sáng của một nước thành viên có trách nhiệm, tích cực và đóng góp những sáng kiến cho Đại hội đồng. 

Với chủ đề “Tăng cường cơ chế toàn cầu về di cư và tị nạn, cần thiết có chính sách trên thực tế », bài phát biểu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, việc tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần bảo vệ phẩm giá, quyền con người và các quyền tự do cơ bản của những người dân di cư:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp các đại biểu dự IPU 138
"Để giải quyết những cuộc khủng hoảng di cư, cần phải tăng cường hợp tác ở mức độ toàn cầu, có sự tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ của các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. Chúng tôi nhận thấy, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm các quyền cơ bản, hạnh phúc của con người ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới; đồng thời là chìa khoá cho việc giải quyết tận gốc rễ các cuộc khủng hoảng hiện nay", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đề xuất, các Nghị viện phải xây dựng chính sách nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi vấn đề di cư. Đồng thời cần phát huy vai trò của các Nghị viện và nghị sĩ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của Chính phủ.

Theo ông Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, sau bài phát biểu ngắn gọn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp toàn thể, đã có nhiều Chủ tịch Quốc hội các nước đến chúc mừng.

"Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội mang đến những đóng góp rất tích cực vào xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng chính sách và vai trò của Quốc hội, của các Nghị viện trong việc làm sao giải quyết được ổn thỏa bền vững cho vấn đề di cư của toàn cầu, làm sao để được vai trò của nghị viện và những nhà lập pháp vào những vấn đề chung của nhân loại", ông Dương Trí Dũng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, tại IPU-138, vị trí, vai trò của Việt Nam được nghị viện các nước rất quan tâm: "Về tổng thể IPU-138, vị trí, vai trò của Việt Nam được nghị viện các nước rất quan tâm. Đoàn Việt Nam có cuộc gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU. Chủ tịch IPU cũng như Tổng Thư ký IPU cho rằng, Việt Nam gắn bó chặt chẽ với IPU trong những năm gần đây, nhất là đã tổ chức thành công IPU-132 đến nay, là thành viên tích cực. Đây được xem như hình mẫu để Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU nghiên cứu, triển khai đến các nước", ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Bên lề Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch IPU, Tổng thư ký IPU và Chủ tịch Quốc hội một số nước. Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đều nhất trí thúc đẩy quan hệ hai nước và hai Quốc hội ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Rời Thụy Sỹ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan, “xứ sở muôn hoa”, đất nước của Van Gogh, của Rembrandt… của những công trình trị thủy, lấn biển vĩ đại. Hà Lan, đất nước của những “cơn lốc màu da cam”, nơi có nền kinh tế lớn và phát triển bền vững.

Hoạt động đầu tiên, ngay sau khi xuống sân bay, Chủ tịch Quốc hội đã tham dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hà Lan.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những thành tựu trong quan hệ hợp tác của hai nước có được không phải chỉ trong 45 năm, mà chính là sự tiếp nối của những mối liên hệ đã có từ cách đây hơn 400 năm, khi những đội thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An của Việt Nam tiến hành giao thương về lúa, gạo, hồ tiêu, đã bắt đầu cho sự kết nối giao thương giữa hai nước. Suốt quá trình phát triển, Việt Nam đã nhận được sự đồng hành quý báu của Hà Lan, thông qua rất nhiều chương trình hợp tác ngay từ khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên nền tảng của quan hệ bạn bè tin cậy, có chung quyết tâm chính trị, có tiềm năng và nhu cầu hợp tác, có lợi ích tương hợp và kinh tế tương hỗ, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Hà Lan

Trong các cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Hội kiến Hoàng hậu Maxima, hai bên đều khẳng định: 45 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, hai bên đã trở thành đối tác chiến lược của nhau trong những lĩnh vực quan trọng đó là Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước  và Đối tác chiến lược về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.

Bà Ngô Thị Hòa, Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Hà Lan cho biết: "Hai bên đã có những cuộc trao đổi rất cụ thể, nhằm tăng cường mối quan hệ song phương. Quốc hội hai nước cũng đã trao đổi những nội dung, những vấn đề quốc tế quan tâm. Qua những cuộc làm việc với Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện thì hai bên cũng đã khẳng định được quyết tâm trong việc tăng cường quan hệ song phương giữa Quốc hội, hỗ trợ cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hà Lan.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong các cuộc tiếp xúc song phương, phía bạn rất quan tâm đến những diễn biến trên Biển Đông và cho rằng, tự do hàng hải và tự do hàng không rất quan trọng; đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ lập trường của Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội với Phó Cao ủy đồng bằng; viện Deltares cũng rất thiết thực và hiệu quả đối với những vấn đề nóng mà Việt Nam đang phải đối mặt, đó là ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng.

Chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Thụy Sỹ và Hà Lan đã thành công tốt đẹp. Các hoạt động tại Đại hội đồng IPU 138 và Vương quốc Hà Lan đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên