Không nên chỉ định “con cưng” làm cao tốc Bắc - Nam

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng không nên chỉ định doanh nghiệp Nhà nước làm một số đoạn cao tốc Bắc-Nam, nhất là khi đơn vị đó đang yếu về tài chính.

Chỉ nên chuyển đầu tư công với một số đoạn cao tốc Bắc – Nam

Nêu quan điểm về đề xuất điều chỉnh phương thức đầu tư dự án của Chính phủ, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho biết, vừa qua Ủy ban Kinh tế được Thường vụ Quốc hội giao thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chuyển 8 dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ hướng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc chỉ định "con cưng" làm cao tốc Bắc - Nam sẽ nhiều hệ luỵ.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy ban Kinh tế cho rằng tiếp tục đầu tư 8 dự án này theo hình thức huy động vốn đầu tư tư nhân (cụ thể là huy động BOT) vẫn có thể tiến hành mà chuyển sang phương thức đầu tư bằng vốn ngân sách (đầu tư công) cũng có thể thực hiện. Cả 2 hình thức đầu tư này đều có những thuận lợi và khó khăn riêng.

“Hiện, theo báo cáo của Chính phủ, dự án chỉ có vấn đề là không có nhà đầu tư quan tâm, vậy thì đối chiếu với quy định, các cơ quan sẽ triển khai tiếp theo Nghị quyết 52 của Quốc hội. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn về vấn đề này. Nếu có chuyển hình thức đầu tư  thì chỉ chuyển một số đoạn trong loạt đó chứ không phải toàn bộ các dự án này”, ông Sinh nói.

Theo ông Sinh, mặc dù có 7/8 đoạn đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ cho rằng, những nhà đầu tư này có năng lực thi công tốt, nhưng một số nhà đầu tư huy động nguồn lực hạn chế.

Có hai mục tiêu quan trọng nhất khi triển khai cao tốc Bắc-Nam, đó là muốn đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư và góp phần tăng trưởng GDP.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh.

“Hai mục tiêu đấy tôi rất đồng tình, nhưng vấn đề đặt ra là chưa tổ chức đấu thầu thì làm sao biết đủ năng lực hay không? Trên thực tế là người ta cam kết, thậm chí chúng tôi đã trao đổi với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn thấy rằng đã cam hết thì thực hiện. Tôi không thực hiện được thì vi phạm hợp đồng, mất đặt cọc. Đó là một trong những lý do tôi cho rằng phải minh bạch chỗ này”, đại biểu Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề.

Có 3 vấn đề đại biểu Quốc hội rất băn khoăn, thứ nhất, từ xưa đến nay chúng ta rất muốn làm Luật PPP để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, để thu hút tăng nguồn lực tài chính; thứ 2 là tăng năng lực quản trị tốt hơn để hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Rõ ràng trong lúc này, chúng ta đang làm luật và cũng kỳ  này Quốc hội thông qua Luật PPP, cũng kỳ này lại chuyển PPP sang đầu tư công. Nếu không có thông tin đầy đủ, phân tích có cơ sở khoa học thì là vấn đề cần phải cân nhắc.

“Vấn đề thứ 3, trên thực tế, Chính phủ cho rằng, đầu tư công sẽ nhanh hơn đầu tư theo hình thức PPP. Tôi thì lại nghĩ không phải như vậy. Vì trên thực tế thời gian qua, hầu như và gần như tất cả các dự án đầu tư công đều chậm tiến độ. Khi nhà đầu tư đấu thầu theo hình thực PPP rồi thì người ta triển khai rất nhanh. Cơ chế của người ta tự quyết được vì tiền của người ta. Như một số dự án của tư nhân người ta đầu tư như sân bay Vân Đồn, một số dự án người ta làm rất nhanh. Thậm chí, một số dự án năng lượng vừa rồi, người ta làm mấy tháng là xong. Còn ta chắc lẽ còn lâu lắm. Tôi cho rằng, cái đấy chúng phải được minh chứng, tức là đặt vấn đề ra phải minh chứng và cụ thể. Rõ ràng tính thuyết phục chưa cao”, ông Đỗ Văn Sinh nói.

Trong này, Chính phủ muốn đặt ra vấn đề, xin một số cơ chế, ông Sinh cho rằng cơ chế trong Nghị quyết 52 cũng đủ hết rồi chứ không phải không có nhưng vẫn chậm vì từ năm 2017, giờ là năm 2020 rồi mà mới triển khai được 3 dự án đầu tư công, còn tất cả các dự án đầu tư công đã làm được dự án nào đâu, giờ lại xin chuyển đổi. Cho nên, cần phải cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội, cũng như giải trình thuyết phục.

Không nên chỉ định “con cưng” làm cao tốc Bắc - Nam

Trước việc Tổng công ty Sông Đà, đơn vị đang nợ hơn 11.000 tỷ, vừa được Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định thi công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhằm "thực hiện chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP sang đầu tư công", ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội không đồng tình với đề xuất này.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. 

Ông Sinh cho rằng, đó là việc của Chính phủ vì trên thực tế, khi triển khai thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Có 2 hình thức, một là đấu thầu, hai là chỉ định thầu.

Về mặt nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu vì sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu. Trong trường hợp 2 thì cũng có thể chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Còn chỉ định ai thì phải đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu. Chỉ một ông mà mai kia trễ ra thì là trách nhiệm của người chỉ định thầu.

"Anh muốn chỉ định thầu thì phải xác định được tiêu chỉ để chỉ định. Đấu thầu cũng như vậy, anh phải xác định được tiêu chí, thứ nhất phải có năng lực thi công, thứ 2 là phải có năng lực tài chính. Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu để thi công? Rõ ràng đây là câu chuyện hồ sơ mời thầu đặt ra và người quyết định hồ sợ mời thầu phải chịu trách nhiệm về điều đó”, ông Sinh nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ví von, một người đầy đủ khoẻ mạnh thì bao giờ cũng tốt hơn người bị khiếm khuyết. Do đó, nên xem xét ở tất các góc độ khi chỉ định thầu cho đơn vị đang gặp khó khăn hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 8/6, ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng không đồng tình với đề xuất này.

"Chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được khi cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp rồi cá nhân. Chưa kể đối tượng được đề xuất chỉ định thầu lại là đơn vị đang thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế", ông Phương nêu quan điểm.

Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh quy định luật pháp là công khai minh bạch, khuyến khích cạnh tranh. Tại các dự án đầu tư có thể chỉ định thầu hoặc đấu thầu công khai, vì thế hồ sơ thầu khi đưa ra phải nêu những tiêu chí rõ ràng cụ thể tránh lợi ích nhóm, đảm bảo chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực chuyên môn trong thi công, vốn.

Nhưng riêng với tình hình của Tổng công ty Sông Đà, hiện không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay..., ông cho rằng "không nên có các giải pháp giúp đỡ, nâng đỡ họ như vậy". Thay vào đó, ông Phương nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần xem lại trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị khi để tồn tại, xảy ra tình trạng nợ quá lớn.

"Cần tổ chức đấu thầu công khai chọn nhà đầu tư đủ năng lực, không nên chỉ định doanh nghiệp nhà nước làm dự án vì rất dễ phát sinh tiêu cực, khó có dự án chất lượng", ông Nguyễn Ngọc Phương nhìn nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên