Phải công khai xử lý sai phạm sử dụng ngân sách

VOV.VN -Việc sử dụng ngân sách lãng phí, không hiệu quả, thất thoát… nhưng không có ai bị xử lý, không ai chịu trách nhiệm.

Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2013 đã đạt được khá tích cực so với số thu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho cân đối ngân sách nhà nước, thể hiện tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực phấn đấu cao độ của ngành chuyên môn và các địa phương, nhằm khắc phục khó khăn chung của nền kinh tế.

Những tháng đầu năm, kết quả thu, chi ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, các khoản nợ phải trả của các năm trước chưa được xử lý. Nợ đọng thuế còn lớn, nợ xây dựng cơ bản còn nhiều, nên năm 2014 thực chất vấn đề cân đối ngân sách vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Hồi chuông về kỷ luật ngân sách!

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) bày tỏ sự lo ngại trước kết quả thu ngân sách năm 2013. Vì nguyên nhân chủ yếu của việc gần đạt kế hoạch thu ngân sách nhà nước là nhờ vào sự điều chỉnh chính sách nhằm tăng thu ngân sách theo Nghị quyết 54 năm 2013 của Quốc hội, gồm tăng thu từ khai thác dầu thô, từ đất đai, đưa thu phạt vi phạm hành chính vào trong cân đối ngân sách... Trong khi đó, thu từ sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh lại không nhiều.

“Qua đây cho thấy kết quả thu ngân sách nhà nước thiếu ổn định, bền vững và đồng vốn thu ngân sách năm 2013 rất đáng quý, đòi hỏi về sử dụng phải hết sức tiết kiệm và hiệu quả” – Đại biểu Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh.

Việc chấp hành kỷ luật ngân sách chưa nghiêm

Về chi ngân sách năm 2013, theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm, trong bối cảnh ngân sách thu khó khăn, Quốc hội  đã không điều chỉnh tăng dự toán chi nhưng Chính phủ lại trình Quốc hội kết quả thực hiện vượt so với số dự toán khá cao. Cụ thể, chi đầu tư đã tăng đến 39.298 tỷ đồng, chi thường xuyên tăng 18.361 tỷ đồng. “Kết quả này thể hiện việc chấp hành kỷ luật ngân sách không nghiêm, tiếp tục đặt thêm gánh nặng cho cân đối ngân sách nhà nước tăng bội chi, nghĩa là tiếp tục tăng nợ công” – đại biểu Nguyễn Thành Tâm nói.

Cùng khẳng định kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: Hạn chế, yếu kém này không phải đến kỳ họp này mới được nhìn nhận mà đã được đánh giá, nhìn nhận từ những báo cáo trước đó. Vậy, cử tri có quyền hỏi tại sao vẫn chưa khắc phục được? Tại sao nó vẫn tồn tại? Rất nhiều câu hỏi tại sao. Chúng ta đã có Luật phòng, chống tham nhũng nhưng hiện tượng tham nhũng vẫn đang làm cử tri bức xúc. Chúng ta đã có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng thất thoát, lãng phí vẫn diễn ra. Hiện tượng mua xe công đắt tiền vượt quy định như báo chí đã phản ánh là một trong những ví dụ. Đó mới là những hiện tượng thấy được bằng trực quan, còn bao nhiêu sự lãng phí khác mà công chúng chưa được nhận diện.

Chúng ta đã có các quy định pháp luật về phê duyệt dự án chương trình đầu tư về đấu thầu,...  nhưng vẫn có những dự án phải điều chỉnh tăng tổng đầu tư một cách không bình thường, với mức tăng không nhỏ, có khi tăng hơn 50%. Hay có những công trình hàng ngàn tỷ đồng nhưng mới đưa vào sử dụng đã có vấn đề về chất lượng.

Toàn chuyện biết rồi, nói mãi…

Một vấn đề khác, chi đầu tư, mặc dù vượt dự toán cao nhưng tình trạng giải ngân chậm, công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng thấp, một số dự án không giải ngân hết hoặc giải ngân không đạt kết hoạch vốn được giao phải chuyển nguồn. Trong khi đó nợ đọng xây dựng cơ bản đã được xử lý không đạt yêu cầu, hạn chế này đã tồn tại qua nhiều năm, nhưng không được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và lãng phí nguồn lực. Chi thường xuyên tăng ở hầu hết các hạng mục, dự toán chi thường xuyên đã rất cao, chiếm khoảng 68,96% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó có hạng mục tăng cao đến 11,4%. Trong khi đó, từ giữa năm 2013, Chính phủ đã có chỉ đạo tiết kiệm trong chi tiêu công trước tình hình thu ngân sách khó khăn. “Thực trạng này cho thấy, ngoài việc dự toán không sát thì tinh thần tiết kiệm chấp hành theo chỉ đạo của Chính phủ là không tốt. Đi kèm với đó là cơ chế kiểm soát, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan sử dụng ngân sách không chặt chẽ và hiệu quả, nên chủ trương nghị quyết đặt ra không được thực hiện triệt để” – đại biểu Nguyễn Thành Tâm khẳng định.

Nhiều công trình dự án đầu tư sai gây lãng phí nghiêm trọng

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc bố trí vốn để trả nợ nợ công và các khoản nợ khác như quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ cấp bù trên nợ lãi suất và vốn điều lệ của ngân hàng phát triển Việt Nam và ngân hàng chính sách xã hội, nợ hoàn ứng, nợ xây dựng cơ bản... với con số không hề nhỏ. Dù không được tính vào nợ công, nhưng nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định, an toàn tài chính công. Nhưng bố trí vốn để xử lý cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề nghị: Chính phủ tiếp tục rà soát thực hiện về dự toán chi ngân sách 2013, kiên quyết thu hồi những khoản chi đầu tư chưa đảm bảo thủ tục, loại bỏ những khoản chi thường xuyên vượt dự toán không thực sự cấp bách, trừ những khoản chi trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Những khoản chi vượt khác phải lấy ngân sách năm 2014 để chi trả, đồng thời công khai, phê bình, kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong phân bổ, sử dụng ngân sách.

“Đối với phân bổ chi năm 2014, những dự án nào không đảm bảo quy định thì cần phải thu hồi… Cần gương mẫu, nghiêm khắc trong việc chấp hành pháp luật, đặt bước khởi đầu cho việc khôi phục lại kỷ cương ngân sách để sau này khi thảo luận phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội không phải lặp lại điệp khúc phê bình, yêu cầu khắc phục rồi bấm nút thông qua nhưng thấy không yên tâm”.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc tiết kiệm chi tiêu công, cả chi đầu tư và chi thường xuyên khắc phục bệnh hình thức hoành tráng trong mua sắm, đầu tư tài sản công, tổ chức sự kiện lễ hội; có cơ chế kiểm soát và biện pháp chế tài mạnh đối với việc chấp hành chỉ đạo, không chấp hành chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện tiết kiệm chi tiêu. “Nếu cần thiết có thể xem xét cơ chế tiếp tục, áp dụng hạn mức tiết kiệm chi thường xuyên như năm 2013 đã thực hiện để dành nguồn lực cho dự phòng và ưu tiên tiếp tục đầu tư cho công tác phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, nhất là kinh tế biển” – đại biểu Nguyễn Thành Tâm gợi ý.

Nhìn nhận về tình hình thời gian tới, Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng: Những yếu tố tăng chi tăng lên và những yếu tố tăng thu có chiều hướng giảm. Ngân sách rất khó khăn, những tồn tại này nếu chúng ta không khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch năm nay, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên