Thành lập Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội
VOV.VN -Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gồm 23 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hạnh Phúc làm Trưởng ban.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có Nghị quyết về việc Thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gồm 23 thành viên, trong đó ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban. Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng ban; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng ban.
Ban soạn thảo, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo làm việc theo chế độ tập thể và thực hiện theo Quy chế hoạt động do mình ban hành.
Cùng với đó, Trưởng Ban soạn thảo thành lập Tổ biên tập để giúp việc chuẩn bị dự án Luật./.
Điều 54, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
1. Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.
2. Ban soạn thảo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Xem xét, thông qua đề cương chi tiết dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết;
b) Thảo luận về nội dung của dự thảo văn bản, tờ trình, nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Bảo đảm các quy định của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của văn bản.
3. Trưởng Ban soạn thảo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Thành lập Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo và chỉ đạo Tổ biên tập biên soạn và chỉnh lý dự thảo văn bản;
b) Tổ chức các cuộc họp và các hoạt động khác của Ban soạn thảo;
c) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban soạn thảo.
4. Thành viên Ban soạn thảo có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban soạn thảo, chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của các nội dung được phân công trong dự thảo văn bản và tiến độ xây dựng dự thảo văn bản; trường hợp vì lý do khách quan mà không tham dự được thì phải có ý kiến góp ý bằng văn bản.