Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm

(VOV) - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực thực trạng KT-XH, những thành tựu và cả những yếu kém tồn tại.

Trong phiên làm việc sáng nay (10/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ ngày 20/5 đến 21/6/2013).

Báo cáo đánh giá nêu rõ, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức hữu quan, sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan tham mưu giúp việc, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt chương trình đề ra với khối lượng lớn công việc, nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước.

Quốc hội đã thông qua 9 luật, Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; cho ý kiến về 8 dự án luật khác và tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội được chuẩn bị có chất lượng, đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định. Các đại biểu đã thảo luận về các dự án luật, nghị quyết tại các phiên họp tổ và hội trường sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau; tích cực tham gia ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của các dự án luật qua hình thức phiếu xin ý kiến. Công tác tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đạt chất lượng, kịp thời, đầy đủ, góp phần hạn chế sự trùng lặp khi thảo luận tại hội trường. Công tác tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thuyết phục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Các dự án luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Quốc hội đã dành 2 ngày để cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của nhân dân, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Tại các phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về lý luận và thực tiễn, có tầm nhìn xa về xu thế phát triển của thế giới, con đường xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và cử tri cả nước.

Quốc hội đã quyết định tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến hết ngày 30/9/2013 nhằm tiếp tục phát huy tinh hoa trí tuệ, tinh thần dân chủ trong nhân dân để bản Hiến pháp mới thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Quốc hội đã dành thời gian xem xét thận trọng dự án Luật đất đai (sửa đổi). Mặc dù công tác chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc, việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cấp, các ngành và của nhân dân khá chu đáo, nhưng do đây là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên Quốc hội đã xem xét, quyết định thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật và các văn bản dự thảo hướng dẫn thi hành.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và cử tri, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo, thảo luận, đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2013.

Các thành viên Chính phủ giải trình kịp thời những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu lên. Quốc hội đánh giá cao những thành tựu, đồng thời cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục trong thời gian tới. Kết quả thảo luận về kinh tế-xã hội đã cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng, làm căn cứ để đại biểu Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh chân thực

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội lần đầu tiên thực hiện chức năng giám sát tối cao về công tác nhân sự qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai thận trọng, nghiêm túc, công khai, theo đúng quy trình, thủ tục. Những người được lấy phiếu tín nhiệm đã chuẩn bị chu đáo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất đạo đức, lối sống của mình và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội đúng thời hạn.

Các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dành thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo, nắm bắt, tìm hiểu thông tin liên quan, thận trọng, khách quan, công tâm khi đánh giá mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu. Công tác điều hành chặt chẽ, khoa học, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò của đại biểu. Công tác thông tin được quan tâm chỉ đạo sát sao, giúp đại biểu Quốc hội tiếp cận được nhiều thông tin thiết thực, tin cậy, làm cơ sở để đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm đối với những người được lấy phiếu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực thực trạng kinh tế-xã hội đất nước, những thành tựu đã đạt được và những yếu kém tồn tại trong hoạt động của bộ máy nhà nước; đồng thời giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được cử tri và nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng, được công bố công khai, kịp thời để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Những hạn chế cần rút kinh nghiệm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 5 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm.

Theo đó, một số nội dung được bố trí chưa hợp lý về thời lượng; Một số báo cáo, tờ trình còn dài, thông tin chưa trọng tâm, đầy đủ, khó khăn cho đại biểu khi nghiên cứu. Số liệu trong một số tài liệu còn thiếu thống nhất; Một số chất vấn chưa sâu, chưa đúng nhóm vấn đề; nội dung trả lời chưa bám sát chất vấn của đại biểu, trả lời còn dài.

Một số ý kiến thảo luận trùng lắp, chưa bám sát nội dung, nặng về nêu tình hình, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, nhất là trong thảo luận về kinh tế - xã hội. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường có lúc, có nội dung  chưa thực sự đầy đủ; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý có nội dung chưa thật thuyết phục...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sự chuẩn bị tốt đã góp phần vào thành công của kỳ họp thứ 5. Do đó, trên cơ sở rút kinh nghiệm, công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 cần nghiên cứu và được khẩn trương thực hiện, vì khối lượng nội dung trong kỳ họp tới rất lớn, thời gian không còn nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên