Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Gia Lai

Thể hiện bản sắc và có sức lan tỏa lâu dài

Gia Lai xác định đại hội này có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, làm sao để đồng bào thấy được chính sách nhất quán của Đảng đối với dân tộc thiểu số

Ở khu vực Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương đầu tiên triển khai đại hội điểm tiến tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tổng số đại biểu chính thức và khách mời đại hội các cấp khoảng 3.000 người. Ngày 25/9 tới, đại hội điểm sẽ diễn ra tại huyện Đắk Đoa. Sau đó các huyện, thị trong tỉnh sẽ lần lượt tổ chức đại hội từ ngày 5 – 25/10, và Đại hội cấp tỉnh sẽ diễn ra vào ngày 10 - 12/12 năm nay.

Tỉnh Gia Lai xác định, mục tiêu lớn nhất của Đại hội là phải thể hiện được bản sắc và có sức lan tỏa lâu dài. Ông Nguyễn Khoa Lai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai trả lời phỏng vấn về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam ở tỉnh Gia Lai đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội gồm 7 tiểu ban, hướng dẫn cho các huyện tổ chức đại hội cấp huyện; quyết định số lượng đại biểu từng huyện và cấp tỉnh; và sẽ tiến hành đại hội điểm trong tháng 9.

PV: Đại hội này có ý nghĩa như thế nào đối với đồng bào các dân tộc ở tỉnh Gia Lai, thưa ông?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Tỉnh Gia Lai xác định đại hội này có ý nghĩa rất quan trọng, làm sao để đồng bào thấy được chính sách nhất quán của Đảng đối với dân tộc thiểu số. Thứ hai là để ghi nhận công lao đóng góp của đồng bào với quá trình cách mạng qua các thời kỳ, nhất là thời kỳ đổi mới; qua đây tôn vinh khen thưởng những tập thể cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số và những đơn vị trực tiếp giúp đỡ đồng bào phát triển.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đã đóng góp sức người và sức của cho cách mạng không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà cả trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ đổi mới đồng bào đã góp phần giữ gìn an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa. Ví dụ như thời kỳ chống Pháp thì có Anh hùng Núp, trong thời kỳ đổi mới thì có nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ khen. Ở huyện Đức Cơ có Anh hùng Lao động trồng cao su, và nhiều cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Ở Gia Lai cũng đã nhiều lần diễn ra các hội nghị hoặc ngày hội các dân tộc thiểu số, nhưng so với Đại hội lần này có gì khác, thưa ông? 

Ông Nguyễn Khoa Lai: Tôi cho rằng đại hội này khác với các đại hội khác; không mang tính hình thức, rất gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu cuối cùng là làm sao cho đồng bào các dân tộc thiểu số cảm nhận được đó là ngày hội của bà con. Đại hội phải có tác động thực sự, không chỉ trước mắt mà còn lan tỏa lâu dài. Bản sắc của dân tộc thiểu số phải thể hiện được qua các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc thiểu số, có thể tổ chức lễ đâm trâu, giao lưu đại biểu dân tộc thiểu số với các vị lãnh đạo. Sức lan tỏa ở đây là sau khi dự đại hội về, các đại biểu truyền đạt lại với cộng đồng những gì mình cảm nhận được.   

PV: Xin ông cho biết, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai từ trước đến nay?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Đó là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước để thực hiện bình đẳng các dân tộc, đại đoàn kết dân tộc. Bằng nhiều chính sách từ Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, về phát triển kinh tế... nhất là từ khi có Nghị quyết TW7 về công tác dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, chương trình 135, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, chính sách hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực giúp cho đồng bào có nội sinh,... giúp cho đồng bào ở Gia Lai so với ngày giải phóng đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt.

Đối với Gia Lai thì quan tâm nhất là vấn đề đời sống. Ví dụ như trước đây giao thông cách trở nhưng nay đã đi lại thuận tiện. Chính sách định canh định cư gắn với cơ sở hạ tầng. Ví dụ như xã Hà Tây (huyện Chư Pả) trước đây người dân sống theo kiểu du canh du cư, nay đồng bào đã định cư, có đời sống ổn định; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng nâng lên,  nhiều người trở thành công nhân cao su.

PV: Tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Gia Lai được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khoa Lai: Ở Gia Lai hầu hết các xã đều có nhiều dân tộc sinh sống. Điển hình như huyện Chư Prông, một xã có 10 dân tộc, gồm: H'Mông, Thái, Nùng, Kinh, Ba Na, Jarai.., nhưng có một điều rất tốt là luôn giữ được đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là tuy đồng bào Kinh ở xen kẽ với đồng bào dân tộc thiểu số, luôn thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết nên không nảy sinh xung đột dân tộc. Đồng bào Kinh đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đồng bào tại chỗ phát triển kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên