Thông báo Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X

Từ ngày 2 đến 4/10/2008, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã họp Hội nghị lần thứ 8 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.

 Những ảnh hưởng khách quan

Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch năm 2008 trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Trên thế giới, giá dầu, lương thực và nhiều loại vật tư tăng đột biến, kinh tế Mỹ suy thoái, thị trường tài chính thế giới biến động đã tác động tiêu cực đến kinh tế các nước, nhất là các nước đang phát triển, kém phát triển, trong đó có nước ta. Ở trong nước, từ cuối năm 2007, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có dấu hiệu không tốt và tình hình đó đã tiếp tục tác động sang năm 2008; giá nhiều vật tư quan trọng cho sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng, mức nhập siêu, các chỉ số về tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đều tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra liên tiếp gây thiệt hại lớn đối với sản xuất và đời sống nhân dân.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 22-KL/TW, ngày 4/4/2008; trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP, ngày 17/4/2008 đề ra 8 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; Quốc hội đã ra nghị quyết về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2008 trong tình hình mới, theo đó, điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 từ 8,5% xuống 7%, phấn đấu kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2008. Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2008. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ra Kết luận số 25-KL/TW, ngày 5/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP, ngày 29/8/2008 tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Còn không ít khó khăn, thách thức

Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn dân, đến nay, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có những chuyển biến tích cực. Việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng; nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao trong điều kiện rất nhiều khó khăn; an sinh xã hội được quan tâm và triển khai thực hiện có kết quả; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin, bảo vệ môi trường được chú trọng và tiếp tục phát triển; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có một số chuyển biến; hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Từ thực tiễn và kết quả đạt được trong năm qua, Đảng, Nhà nước ta có thêm những kinh nghiệm có giá trị trong lãnh đạo, quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn. Lạm phát còn cao, nhập siêu còn lớn, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, chất lượng, hiệu quả còn thấp; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; đời sống nhân dân, nhất là những người lao động, cán bộ, công chức, người trong diện hưởng bảo hiểm và trợ cấp xã hội có thu nhập thấp, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; việc xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc còn hạn chế; cải cách hành chính chậm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm chưa đạt kết quả như mong muốn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn phức tạp; công tác chỉ đạo điều hành tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Đây là những vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Tiền đề cho sự phát triển đất nước năm 2009

Năm 2009 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do những biến động phức tạp trên thế giới và hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, nhưng chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản : chính trị - xã hội ổn định, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, niềm tin vào triển vọng phát triển của đất nước được giữ vững, nội lực, tiềm năng phát triển của đất nước còn lớn, quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được đẩy mạnh, những kết quả và kinh nghiệm bước đầu có ý nghĩa quan trọng của năm 2008.... Đây là cơ sở và điều kiện quan trọng cho sự phát triển của đất nước năm 2009 và những năm sau.

Trên cơ sở dự báo, phân tích tình hình thế giới và đất nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu tổng quát cho năm 2009 là: Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, phấn đấu đến năm 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống một con số, ổn định dần kinh tế vĩ mô; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững; nâng cao hiệu quả hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 do Đại hội X của Đảng đề ra.

Lấy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam thực hiện

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế; tạo mọi điều kiện để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu và bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục tăng đầu tư ngân sách nhà nước và đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm; tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng công tác thông tin, tư tưởng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2008, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008 và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên