Thủ tướng: “Thuê đất 99 năm chỉ cho những trường hợp cực kỳ đặc biệt“
VOV.VN -Theo Thủ tướng, 99 năm chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, đó là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước cần công trình đó.
Sáng 18/6 tại huyện Tiên Lãng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại huyện Tiên Lãng, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Các cử tri Hải Phòng bày tỏ sự bất bình về tình trạng kẻ xấu lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân, gây mất an ninh trật tự tại một số địa phương thời gian qua và đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều tra, sớm xử lý nghiêm minh những đối tượng cầm đầu.
Thủ tướng mong muốn người dân bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không mất cảnh giác. (Ảnh: VGP) |
Cử tri Vũ Minh Đức nêu ý kiến: "Kỳ họp thứ 5 Quốc hội đã có nhiều dấu ấn, đó là những quyết sách mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp. Đồng thời cũng có những quyết định sáng suốt và dũng cảm từ trước tới nay chưa có tiền lệ. Đó là việc dừng thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt khi cử tri cả nước và nhiều ý kiến của nhân dân còn khác nhau. Theo tôi đây là một quyết định rất đúng đắn, dũng cảm của Quốc hội, bởi từ trước tới nay, chương trình nghị sự của kỳ họp đã được thông qua thì gần như không thay đổi. Ở kỳ họp này, Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, đưa ra quyết định sáng suốt".
Đồng tình với cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kỳ họp Quốc hội vừa qua là kỳ họp thành công, tiếp tục thể hiện sự dân chủ và đổi mới, thể hiện được nguyện vọng, ý kiến của nhân dân trong kỳ họp. Chính vì vậy, Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu những vấn đề đúng đắn mà nhân dân phản ánh, trong đó có việc lùi thời điểm thông qua Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Điều đó thể hiện sự cầu thị, lắng nghe của Chính phủ và Quốc hội để tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc xây dựng đặc khu kinh tế không phải là mới trên thế giới và nhiều nước đã xây dựng thành công. Ba đặc khu này không phải chỉ cho ba tỉnh có đặc khu mà là ba cực tăng trưởng quan trọng với thể chế thu hút đầu tư mạnh mẽ.
"Quá trình làm luật đã làm đúng quy trình, đã lấy ý kiến rộng rãi, và đặc biệt đã thảo luận tại kỳ họp rất tốt. Trong đó có câu chuyện Luật đất đai quy định thuê đất đến 70 năm đối với các khu kinh tế. Nhưng có một ý mà kẻ xấu lợi dụng, tức là trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét có thể 99 năm, còn phổ biến là 70 năm hoặc ít hơn. 99 năm chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt, đó là công trình vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà đất nước cần công trình đó. Đặc biệt là rất ít. Và quy trình đặc biệt đó trước khi Thủ tướng quyết định thì Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và nhiều cơ quan khác hay là Ban Cán sự Đảng Chính phủ còn phải cho ý kiến", Thủ tướng phân tích thêm.
Thủ tướng cho rằng, đối tượng xấu đã kích động, lôi kéo quần chúng ở một số địa phương, đập phá tài sản và chống người thi hành công vụ, cản trở giao thông, làm cho nhân dân hiểu nhầm nội dung luật pháp, nhất là dự thảo Luật đặc khu và Luật An ninh mạng, những luật mà nhiều nước đã ban hành từ lâu. Trong đó, Luật An ninh mạng đã được tiếp thu một vấn đề rất quan trọng là cho phép đặt máy chủ ở nước ngoài thay vì phải đặt máy chủ trong nước, mà chỉ có cơ sở dữ liệu người dùng Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, các hành vi trái pháp luật này đã làm ảnh hưởng đến sự bình yên của Tổ quốc, cuộc sống yên lành của nhân dân và môi trường đầu tư.
Thể hiện sự bức xúc về tình trạng đối tượng xấu lôi kéo, kích động người dân có hành động vi phạm pháp luật, cử tri Phạm Ngọc Thành, đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương điều tra, kết luận, sớm xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu và các đối tượng gây rối, phá hoại tài sản Nhà nước, gây thương tích cho lực lượng chức năng.
Trao đổi với cử tri về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần tuyên truyền vận động nhân dân, trong đó vai trò của cán bộ, đảng viên là phải phân tích để nhân dân hiểu rõ hơn về các quy định cần thiết.
"Thứ nhất, vận động thuyết phục nhân dân vẫn là vấn đề rất quan trọng. Đi liền với đó là phải tuyên truyền vận động nhân dân tốt hơn. Vừa rồi khâu này chúng ta làm yếu. Đặc biệt (trên) mạng xã hội đã lôi kéo cá nhân quần chúng, chúng ta chưa có biện pháp. Việc thứ hai là yêu cầu, đề nghị người dân bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn trước sự lôi kéo kích động này. Thứ ba là phải lập lại trật tự, đảm bảo an ninh an toàn cho người dân, cho xã hội. Và thứ tư là xử lý nghiêm các vi phạm như nhiều cử tri đã nêu ý kiến. Anh chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản Nhà nước… thì phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Thậm chí là phải xử lý hình sự một số cá nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an ninh ở một vài địa phương", Thủ tướng nói.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các ý kiến cũng nêu lên một số vấn đề khác như sửa đổi Nghị định 67/2014 của Chính phủ về quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản để sử dụng loại đất này hiệu quả và bình đẳng hơn; vấn đề thực hiện chính sách người có công trách nhiệm và nhanh chóng hơn; vấn đề tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Thành phố Hải Phòng; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông thủy và giao thông nội đô Thành phố; đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; sớm chỉ đạo các địa phương khác cùng Hải Phòng triển khai tuyến đường ven biển; vấn đề hướng nghiệp cho học sinh sinh viên…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cử tri đã nêu nhiều ý kiến có chất lượng tại buổi tiếp xúc và cho biết, sẽ nghiên cứu để điều chỉnh các quy định chưa sát với thực tế, trong đó có Nghị định 67/2014; sửa đổi Luật Đầu tư công…
Cử tri Hoàng Anh Tuấn, đặt vấn đề, Luật Đầu tư công có nhiều điểm cần điều chỉnh để đẩy nhanh giải ngân vốn, nhất là về thủ tục hành chính còn rườm rà; quy trình phê duyệt các chủ trương đầu tư dự án hợp tác công-tư còn bất cập…
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Luật Đầu tư công có nhiều mặt tốt, như là công khai minh bạch, quản lý chủ động, phân cấp tốt. Nhưng qua thực hiện ba năm qua còn có nhiều vướng mắc, phải chạy đi chạy lại, phải xác định nguồn vốn, phải làm thủ tục phiền hà, phải làm thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản chủ động mấy năm liền…chúng ta chưa quen điều này. Cho nên nhiều địa phương, thậm chí Chính phủ cũng bị chậm trễ trong giải ngân vì quy trình Luật đầu tư công rất phức tạp. Tiếp thu vướng mắc này trong thời gian qua, nhất là trong điều hành của Chính phủ theo Luật Đầu tư công, chúng tôi đã hoàn thiện góp ý sửa đổi Luật đầu tư công để phiên họp Quốc hội cuối năm nay, vào tháng 10 này, sẽ sửa lại Luật Đầu tư công phù hợp hơn".
Thủ tướng tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng, Hải Phòng |
Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo đề nghị của Thành ủy và UBND Thành phố Hải Phòng, Chính phủ đã quyết định điều động phà 200 tấn từ Vàm Cống ra Hải Phòng để đảm bảo việc đi lại cho nhân dân. Phà đang trên đường về, có thể nửa tháng nữa sẽ về đến Hải Phòng. Phà 200 tấn là rất lớn.
Thủ tướng cũng ghi nhận đề nghị của cử tri đồng thời cho biết, khi nào cầu Vàm Cống làm xong sẽ tiếp tục xem xét điều chuyển một phà tiếp theo nếu cần thiết. Đây là hình thức tăng giảm tài sản mà không phải mua bán.
Thủ tướng cũng bày tỏ đồng tình với cử tri về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường ven biển, trong đó yêu cầu tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và các địa phương khác nhanh chóng triển khai cùng Hải Phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương./.