Thủ tướng: Xử lý nghiêm vi phạm trong đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này khi phát biểu trước Quốc hội cuối giờ sáng 25/11.  

Các nhóm vấn đề được Thủ tướng đề cập tập trung là công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2011-2012 và những năm tiếp theo; vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và các giải pháp, ưu tiên thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cập nhật thêm thông tin về tình hình kinh tế xã hội năm 2011.

Tình hình KT-XH chuyển biến tích cực

Trong tháng 10 và 11/2011, tình hình kinh tế, xã hội có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tháng 10 là 0,36%, tháng 11 là 0,39%. Thu ngân sách đạt khá, đến ngày 15/11 đạt khoảng 98,5% kế hoạch. Xuất khẩu 11 tháng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010 và gấp 3 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Nhập siêu 11 tháng giảm còn 10,2% kim ngạch xuất khẩu; lãi suất có xu hướng giảm…

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ như lạm phát cả năm còn cao, lãi xuất chưa giảm nhiều, thanh khoản nền kinh tế tăng, thị trường bất động sản, chứng khoán trầm lắng. Hệ quả của chính sách thắt chặt nền kinh tế làm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì không tiếp cận được nguồn vốn.

Thủ tướng cho biết: Chính phủ đang tập trung cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục đầu tư giàn trải, gây thất thoát lãng phí

Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng, với những giải pháp điều hành quyết liệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng qua, tính chung 11 tháng tăng 17,5%. Với xu thế này, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được.

Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong năm tài khóa 2012, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách chặt chẽ, hiệu quả, giảm bội chi ngân sách dưới 4%, đảm bảo nợ công, quản lý thu ngân sách, thực hiện chống thất thu, đi đôi với tiết kiệm chi. Tăng cường giảm sát kiểm tra các khoản chi ngân sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần tăng dự trự ngoại hối. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, 10 tháng đầu năm nay có 48.700 doanh nghiệp giải thể. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ.

Theo đó, đưa lạm phát 2012 về một con số, đồng thời thực hiện cơ chế chính sách ưu đãi tài chính, nâng cao năng lực doanh nghiệp, cơ chế cho tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; kéo dài thời gian thực hiện miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng nhanh xuất khẩu, đẩy mạnh thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ khó khăn với sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân, các chương trình về giống, sau thu hoạch.

Rà soát các dự án, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, sinh viên. Hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đảm bảo hiệu quả đầu tư

Thủ tướng cho biết: Chính phủ đang tập trung cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục đầu tư giàn trải, gây thất thoát lãng phí, đảm bảo mỗi dự án khởi công mới đều được giám sát, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Với các dự án trực tiếp phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá đầu tư, xử lý nghiêm những việc làm sai trái. Các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định về vấn đề này.

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, mà mục đích là nhằm nâng hiệu quả cao hoạt động, là nội dung quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Xác định rõ chức năng của doanh nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước, tổng  kết mô hình hoạt động, xác định rõ phạm vi hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, xem xét đề án phê duyệt từng tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011. Đẩy mạnh cổ phẩn hóa, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động.  Xử lý các doanh nghiệp thua lỗ bằng các hình thức khác nhau, thực hiện quyền làm chủ của Nhà nước, xây dựng tiêu chí quản trị về bố trí cán bộ; công khai minh bạch hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước là cả một quá trình, Chính phủ quyết tâm thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Thủ tướng cho biết: Chính phủ sẽ rà soát hoạt động xây dựng, cơ cấu lại toàn bộ hệ thống với cơ chế chính sách phù hợp, đưa vào các tiêu chuẩn mới theo hướng tiếp cận nhanh thông lên quốc tế. Tăng cường giám sát các Ngân hàng Nhà nước, có chính sách ưu tiên các ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phẩn thực sự là ngân hàng đại chúng; Có phương án xử lý ngay những ngân hàng yếu kém. Do tính tương tác hỗ trợ nên cả 3 yếu tố cơ cấu trên phải đi đôi với 3 khâu đột phá chiến lược.

Phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu

Trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, Thủ tướng cho biết, trong thời gian từ năm 2004 - 2008, Nhà nước ưu tiên bố trí vốn 181.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn. Vốn tiếp tục tăng lên 380.000 tỷ đồng từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2008- 2012, chưa kể nguồn dự phòng ngân sách cho các địa phương và các khoản hỗ trợ khác. Tuy nhiên, việc bố trí vốn chưa tương xứng với vị thế và vai trò của nông nghiệp.

Cũng trong báo cáo, Thủ tướng đã đề cập thêm những vấn đề bức xúc như tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, tạo việc làm mới.

Chính phủ đề nghị Quốc hội sớm có Nghị quyết về giảm tai nạn và kiềm chế ùn tắc giao thông nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Năm 2012, Chính phủ phấn đấu tạo 1,6 triệu việc làm mới, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, phân loại hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhiệm vụ sắp tới là rất nặng nề, Chính phủ đề nghị Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát và trên từng cương vị công tác có những đóng góp để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra.

Sau phần giải trình làm rõ một số vấn đề trong điều hành chính sách kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Quan điểm về tái cơ cấu nền kinh tế, kết quả xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, kết quả tái cơ cấu Vinashin…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên