Tô thắm tình hữu nghị Việt-Nga

Mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt ngày càng mang tầm khu vực. Hai nước đã gắn bó với nhau bằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt.  

Trong năm 2010, Việt Nam và Liên bang Nga đã tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Cũng trong năm qua, Việt Nam-Nga đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng góp phần phát huy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhân dịp cuối năm 2010, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Andrey Grigorievich Kovtun đã dành cho Đài TNVN cuộc phỏng vấn đặc biệt về mối quan hệ Việt Nam-Nga trong năm 2010 và những định hướng cho năm mới 2011.

PV: Thưa ông năm 2010 đã khép lại với dư âm của rất nhiều dự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước. Xin ông cho biết nhận định của mình về những thành tựu chính trong quan hệ Nga-Việt?

Ông Andrey G. Kovtun: Trong nhiều thập kỷ qua, hai nước Nga và Việt Nam đã gắn bó với nhau bằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Quan hệ của hai nước là mối quan hệ phong phú, đa dạng. Đó là đối thoại chính trị tin cậy, sự hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi, mối quan hệ, giao lưu văn hóa và giáo dục.

Năm 2010 đánh dấu sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt lên tầm cao mới về chất. Đây là một năm của nhiều ngày kỷ niệm và sự kiện đáng nhớ. Hai nước đã cùng nhau kỷ niệm trọng thể 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 65 năm Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, 65 năm ngày Quốc khánh của Việt Nam và 35 năm Ngày giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đối thoại chính trị tích cực và hiệu quả ở các cấp tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển hợp tác hai nước, cũng như cú hích mạnh mẽ cho việc thực hiện nhiều dự án song phương lớn. Trên quan điểm này, năm 2010 là một năm đặc biệt đầy ắp các sự kiện. Năm 2010, Bộ trưởng Văn hóa Nga đã tới thăm Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng tới thăm Việt Nam sau hơn một thập kỷ, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga đã tới thăm Hà Nội và Đà Nẵng để tham gia cuộc họp Bộ trưởng kinh tế Nga-ASEAN. Tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga.

Sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Nga và Việt Nam cũng phát triển tích cực. Tháng 7/2010, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã tham gia cuộc họp cấp Bộ trưởng Nga-ASEAN và kỳ họp thứ 17 Diễn đàn khu vực ASEAN về an ninh diễn ra tại Hà Nội. Tiếp đến là vòng ba cuộc đối thoại chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao thứ nhất diễn ra vào tháng 8. Nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam cũng đã sang thăm Nga.

Chúng tôi đặc biệt coi trọng chuyến thăm Moscow của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để tham dự các hoạt động trọng thể kỷ niệm Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh vào tháng 7/2010, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào tháng 10 với những thỏa thuận quan trọng đạt được trong các chuyến thăm đó nhằm tiếp tục phát triển hợp tác song phương theo những hướng ưu tiên là những mốc son quan trọng trong quan hệ hai nước.

Mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt ngày càng mang tầm khu vực. Với sự ủng hộ tích cực của các bạn Việt Nam, nước Nga đã trở thành thành viên đầy đủ của Diễn đàn Á-Âu (ASEM) và Diễn đàn cấp cao Đông Á, cũng như tham gia vào cuộc họp đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với các đối tác đối thoại ở cấp Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên bang Nga.

Ông Andrey Grigorievich Kovtun

Trong năm qua, Nga và Việt Nam đã ký 20 văn kiện hợp tác ở các cấp. Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục đem lại hiệu quả cao. Trao đổi thương mại trong 10 tháng đầu năm 2010 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2009. Chúng tôi đánh giá cao việc các thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 10 tại Hà Nội về việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do. 

Phía Nga đã tập trung nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian không dài, hai bên đã thảo luận và ký kết hiệp định liên Chính phủ về vấn đền này. Các sinh viên Việt Nam đã sang học tại các trường đại học của Nga về những ngành nghề liên quan tới năng lượng hạt nhân. Tháng 8/2010, tại thành phố Obnhinxco ở ngoại ô Moscow đã khai trương trung tâm đào tạo các chuyên gia về năng lượng hạt nhân cho Việt Nam. Các cơ quan giám sát hạt nhân của hai nước cũng hợp tác rất hiệu quả.

Một thành tựu quan trọng của năm 2010 chính là việc hai nước đã đạt được thỏa thuận kéo dài thời hạn hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro trong suốt ba thập kỷ qua luôn là đầu tầu của hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, các bên tham gia liên doanh – Zarubeznheft và Petrovietnam đã bước đầu thành công trong việc hợp tác trên lãnh thổ Liên bang Nga. Cụ thể là tháng 9 vừa qua, Công ty liên doanh Rusvietpetro đã đón nhận dòng dầu công nghiệp đầu tiên từ mỏ dầu ở tỉnh Nhenhetx.

Công ty Gazprom và Petrovietnam đang tiếp tục thăm dò địa chất tại thềm lục địa của Việt Nam trong khuôn khổ công ty liên doanh Vietgazprom. Trong năm 2011, công ty liên doanh Gazpromviet dự kiến bắt đầu khoan thăm dò tại khu mỏ Naguma tại tỉnh Orenburg của Nga.

Nga và Việt Nam cũng hợp tác rất hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng. Được thành lập năm 2006 giữa Ngân hàng ngoại thương Nga và Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, đến cuối tháng 11/2010, Ngân hàng liên doanh Việt-Nga đã tăng vốn lên 8% đạt 450 triệu USD.

Hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và nhân văn cũng phát triển tích cực. Tháng 11/2010 tại Moscow đã khai trương Văn phòng đại diện phía Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ nhiệt đới Việt-Nga. Bên cạnh đó phải kể đến những ngày Moscow tại Hà Nội và Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam đã diễn ra rất thành công.

Năm 2010, thống kê cho thấy, có rất đông khách du lịch Nga tới Việt Nam. Năm 2009, con số này là 50.000 khách và năm nay sẽ cao hơn nhiều.

Tóm lại, mối quan hệ Nga – Việt thực sự có tính rộng khắp. Mối thiện cảm chân thành và tình hữu nghị truyền thống, sự tôn trọng lẫn nhau cùng với quyết tâm vững chắc của lãnh đạo hai nước và thiện chí của hai dân tộc cho phép chúng ta có thể khẳng định rằng, trong tương lai hai nước sẽ thực hiện thành công những nhiệm vụ đã đặt ra, đưa quan hệ hợp tác lên những tầm cao mới.

PV: Thưa ông, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2010, ông có thể cho biết về những hướng phát triển chính của hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong năm 2011?

Ông Andrey G. Kovtun: Những kết quả của năm 2010 cho phép lạc quan vào tương lai hợp tác Nga-Việt. Có thể nói đầy tin tưởng rằng, chúng tôi và các đồng nghiệp Việt Nam sẽ rất bận rộn. Quan trọng là không được để mất đi đà phát triển mà mối quan hệ hai nước đã có được trong năm 2010. Cần phải giữ vững và phát huy những gì đã đạt được.

Để phát triển quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt trong năm 2011 cần phải tiếp tục sự hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, cơ khí, liên lạc và viễn thông, ngân hàng…

Tất nhiên là ưu tiên hàng đầu được dành cho việc hợp tác tích cực trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tien tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tôi, hai nước cần phải nỗ lực phát triển hợp tác cả trong những dự án năng lượng khác, bao gồm hiện đại hóa các nhà máy năng lượng được xây dựng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Liên Xô. 

Chúng ta cũng tiếp tục quan tâm tới hợp tác hai nước trong lĩnh vực dầu khí với tiềm năng hết sức to lớn. Hai nước cũng sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trước hết là phát huy tiềm năng của ngân hàng liên doanh Việt - Nga nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Chúng ta cũng tiếp tục tìm ra nhũng hình thức hợp tác thích hợp để sớm thành lập Đại học công nghệ Nga-Việt tại Việt Nam.

Nhìn lại kết quả của năm qua, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao như cơ khí, liên lạc và viễn thông, sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình, y học.

PV: Năm 2010, Tổng thống Nga tham gia Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN, còn Ngoại trưởng Nga tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra tại Hà Nội. Xin ông cho biết về vị trí của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Nga và ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong điều phối quan hệ hợp tác Nga với ASEAN và Nga với khu vực Đông Á?

Ông Andrey G. Kovtun: Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mạnh mẽ những mối quan hệ đa dạng của Nga với các nước châu Á – Thái Bình Dương để giải quyết bài toán hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, chúng tôi đang soạn thảo chương trình tổng thể đặc biệt nhằm củng cố quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và những nước trong khu vực có vị trí đặc biệt trong chiến lược này.

Tôi muốn trích dẫn lời phát biểu của Tổng thống Medvedev tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai Nga-ASEAN diễn ra ngày 30/10/2010 tại Hà Nội: “Việc xây dựng thành công “Ngôi nhà châu Á – Thái Bình Dương” đáp ứng lợi ích của tất cả các nước và nguyện vọng của các nước phát triển cuộc sống dựng xây thanh bình. Tôi tin rằng việc phát triển quan hệ đối tác Nga-ASEAN sẽ giúp đạt mục tiêu này.

Nước Nga là một phần không thể tách rời của khu vực châu Á – Thái Bình Dương về mặt địa lý, lịch sử, chính trị và kinh tế. Chính vì vậy, chúng tôi quan tâm tới sự hợp tác hiệu quả bao gồm cả việc tham gia vào việc xây dựng các liên minh hiện đại, vào việc phát triển đối thoại giữa các nền văn minh và đối mặt với các thách thức và các mối đe doạ cũ và mới.

Việt Nam là một trong những đối tác chủ đạo của chúng tôi tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và về nhiều phương diện đóng vai trò cầu nối giữa Nga và ASEAN. Chúng tôi rất biết ơn các bạn Việt Nam vì đã luôn ủng hộ những nỗ lực của nước Nga nhằm tham gia rộng rãi hơn vào công việc của khu vực và mong muốn tiếp tục phát triển hiệu quả sự hợp tác theo hướng này.

PV: Xin cám ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên