Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo
VOV.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh,
chúng ta nhớ về hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo.
chúng ta nhớ về hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo.
Dự lễ Kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tới dự Lễ kỷ niệm còn có đồng chí Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh; các tầng lớp nhân dân tỉnh Hưng Yên – quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa tới Lễ kỷ niệm.
Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tỉnh Hưng Yên dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh |
Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Hưng Yên và gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã tới dâng hoa tại tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt tại quảng trường Nguyễn Văn Linh.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Hưng Yên đã dành phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Đoàn đại biểu tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh |
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên.
Xuất thân trong một gia đình yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, bị địch 2 lần đày ra Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được Đảng và Nhà nước đón từ Côn Đảo trở về, đồng chí tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cho đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật phong phú và oanh liệt. Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 3 điểm nổi bật trong quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong đó có việc đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với Trung ương có những đóng góp to lớn và quan trọng trong công cuộc Đổi mới đất nước.
Ngay từ khi làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm của một số cơ sở có cách làm sáng tạo để đề xuất với Trung ương nhiều chủ trương mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến khi giữ trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, chủ động, khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, có lúc hiểm nghèo, tiến hành công cuộc đổi mới thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Qua đó, đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào năm 1991.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ về hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo; kiên định về lập trường, nguyên tắc, đồng thời luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo trước những diễn biến mới của thực tiễn. Đồng chí cho rằng, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, phải có tinh thần dũng cảm tự phê bình mạnh mẽ, nắm được các quy luật khách quan, áp dụng phù hợp với điều kiện của đất nước; phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm, chống cách suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều. Phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, đi sâu đi sát thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm mục đích, biết giải quyết công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của quần chúng nhân dân. Đảng phải đề ra được đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ để định hướng cho xã hội tiến lên.
Đồng thời phải làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó; tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị tốt cho việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo. Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại loạt bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong mục "Những việc cần làm ngay", đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản. Suốt cuộc đời mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh hết lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, gắn bó với nhân dân, hiểu dân, tin dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của dân, biết chắt lọc trí tuệ của nhân dân để đóng góp cho Đảng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Bằng thái độ chân thành, cởi mở, cách ứng xử khiêm tốn, tình nghĩa, trân trọng, lắng nghe ý kiến của các đồng chí khác, cho dù ý kiến đó trái với ý kiến của mình, đồng chí đã được đồng chí, đồng bào tin yêu, kính trọng.
Nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta giành được qua gần 30 năm tiến hành công công đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất, đạo đức cách mạng của đồng chí, chúng ta càng trân trọng, tự hào, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí và nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra.
Tại Lễ Kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên và đại diện thế hệ trẻ phát biểu khẳng định niềm tự hào, lòng biết ơn với đồng chí Nguyễn Văn Linh, người con của quê hương Hưng Yên, bày tỏ quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là vùng quê văn hiến, cách mạng như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh./.