Vì sao khiếu nại tố cáo kéo dài, án oan sai tồn đọng

Theo nhiều đại biểu, một trong nhiều nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là thái độ vô cảm của một số cán bộ công chức làm việc ở các cơ quan dân cử và cơ quan thi hành pháp luật.

Thảo luận về các báo cáo của Chính phủ và cơ quan Tư pháp Trung ương, sáng nay (5/11), các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận những vấn đề về chất lượng hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao và công tác thi hành án. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Đa số ý kiến của các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân dẫn tới một số điểm yếu trong hoạt động của các cơ quan Tư pháp Trung ương và thảo luận biện pháp để giải quyết, nhất là đối với những vụ khiếu nại tố cáo kéo dài, án tồn đọng, tình trạng bản án tuyên chưa rõ, nêu nhiều lần trong các kỳ họp trước mà chưa được giải quyết…

Theo các đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang), Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên), Võ Trọng Quyền (đoàn Sơn La), có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài, án tồn đọng, nhưng trong đó có nguyên nhân quan trọng là thái độ vô cảm của một số cán bộ công chức làm việc ở các cơ quan dân cử và cơ quan thi hành pháp luật.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, vấn đề án treo và cải tạo không giam giữ ở nước ta đang có nhiều bất cập. Án treo là một chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với các bị can, bị cáo. Thế nhưng chính sách nhân đạo này là của Nhà nước, chứ không phải của quan toà. Trên thực tế thời gian qua diễn ra những điều không bình thường, chẳng hạn, án treo tăng đột biến ở một vài địa phương, hoặc ở một số loại tội phạm. Đặc biệt, nếu có tình tiết tăng nặng, thì dứt khoát không được hưởng án treo; tuy nhiên thực tế vẫn còn, nhất là đối với những vụ án tham nhũng, liên quan đến người trong bộ máy công quyền, gây bức xúc trong cử tri. Riêng án hành chính hiện nay rất ít. Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh), nguyên nhân chủ yếu là do người dân không tin tưởng vào việc xử lý các vụ án hành chính của quan toà. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội nêu ý kiến: “Cử tri lo lắng trước tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí nóng, chống người thi hành công vụ. Đặc biệt, cử tri bất bình vì nhiều vụ tham nhũng lớn được xử cho hưởng án treo, tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư chưa được xử lý triệt để, đến nơi, đến chốn. Lo lắng trước thực trạng đội ngũ cán bộ điều tra thiếu và yếu về năng lực, trình độ”.

Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị, để các cơ quan Tư pháp hoạt động có chất lượng hơn, góp phần giảm án oan sai, cần quan tâm đến việc nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ điều tra. Quan tâm đến việc giáo dục trình độ tư tưởng cho đội ngũ này và đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cần đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng đi vào thực chất, chứ không chung chung, hình thức. Tới đây, cần tiếp tục sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố dụng dân sự.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên