Việt Nam có những đóng góp quan trọng tại APEC

(VOV) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 7/9, trong ngày đầu tiên tham dự các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao lần thứ 20 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 7-9/9 tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC năm 2012.

Bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước cũng đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn của Hoa Kỳ và tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt-Nga về phát triển quan hệ thương mại đầu tư tại vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC là Hội nghị mở đầu tuần lễ cấp cao APEC 2012. Đây là hội nghị thường niên quan trọng và có quy mô lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị năm nay có chủ đề “Xử lý thách thức - Mở rộng cơ hội”, thu hút sự tham gia của khoảng 700 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực.

20 phiên thảo luận và đối thoại của Hội nghị là những cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp có thể trao đổi sâu rộng với các nhà Lãnh đạo APEC về với những vấn đề đang tác động trực tiếp quá trình phục hồi kinh tế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và liên kết khu vực. Các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm việc bảo vệ nguồn tài nguyên, nguồn nước, năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng, hạ tầng cơ sở, đô thị, giáo dục, y tế…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị APEC.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng dẫn đề tại phiên thảo luận về “Nước - Nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới”, và cùng với Tổng thống Chile Pinhera, chủ trì thảo luận với các doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước trở thành một trong những chủ đề chính của hợp tác APEC và được cộng đồng doanh nghiệp cũng như các thành viên hết sức quan tâm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nguồn nước đang ngày càng trở thành một tài nguyên chiến lược khan hiếm toàn cầu, không chỉ tác động đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng môi trường an ninh của nhiều quốc gia, nhiều châu lục trên thế giới. An ninh nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng và chịu tác động đan xen do sự gia tăng nhanh chóng của dân số thế giới, tình trạng biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Từ thực tế đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải có cách tiếp cận toàn diện và dành sự quan tâm đầy đủ đối với vấn đề khai thác, sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước trên toàn thế giới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh sự cần thiết hình thành cơ chế đối thoại của APEC về tài nguyên nước, gắn với Chiến lược tăng trưởng mới của APEC. Đó là khuôn khổ để các thành viên có thể trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn nước, đặc biệt nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ, trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia tiếp cận tài nguyên nước, hợp tác phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phòng chống bệnh tật cho người dân sinh sống ven sông.

Đồng thời, với tiềm năng to lớn và vị thế của mình, APEC hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm tham gia và hỗ trợ các chương trình tiểu vùng, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là các khuôn khổ hợp tác các nước Me kong và Kế hoạch Chiến lược dài hạn của ASEAN về quản lý các nguồn nước.

Trong trao đổi với các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Pinhera đánh giá cao vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước, và đề nghị doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội, hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng, đầu tư nghiên cứu, và chuyển giao công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Hội nghị nhất trí cần sớm triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác APEC để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, khẳng định quan hệ đối tác giữa các chính phủ nền kinh tế thành viên với cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố không thể thiếu. Nhiều đại biểu đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Việt Nam vào nỗ lực chung, thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong các khuôn khổ song phương, tiểu vùng và khu vực.

Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Cùng ngày, trong khuôn khổ các hoạt động song phương với Nga tại Vùng Viễn Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trường Đại học Quốc gia Hàng hải Nevelsky và phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt - Nga.

Tại Đại học Nevelsky, Chủ tịch nước đã cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm mà nhà trường dành cho các sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, bày tỏ mong muốn ngày càng có thêm nhiều sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học của Nga nói chung và của vùng Viễn Đông nói riêng.

Chủ tịch cũng đã thăm hỏi, động viên các sinh viên Việt Nam đang học tại Đại học Nevelsky.
 
Tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt-Nga với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp của cả hai nước, Chủ tịch nước phát biểu nhấn mạnh quan hệ kinh tế-thương mại đang ngày càng phát triển là nền tảng và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.

Chủ tịch nước đánh giá cao sự tham gia tích cực của doanh nghiệp hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa khu vực Viễn Đông và Việt Nam. Các doanh nghiệp hai nước cần khai thác hiệu quả tiềm năng và khả năng bổ sung lẫn nhau giữa Việt Nam và khu vực Viễn Đông, góp phần vào việc tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư song phương xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.

Cũng trong ngày 7/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đại diện của các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Tối cùng ngày theo giờ địa phương, Chủ tịch nước đã chủ trì Tiệc tối với lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu trong khu vực.

Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, và hội nhập quốc tế toàn diện.

Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, quá trình chuyển đổi của kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp khu vực kinh doanh và đầu tư. Chủ tịch nước cũng trao đổi sâu sắc về nhiều quan tâm của các doanh nghiệp liên quan đến chính sách, quy định kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Ngày 8/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20 và tiếp tục tham gia nhiều hoạt động quan trọng khác trong dịp Hội nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên