Việt Nam năm 2016: “Tôi kỳ vọng vào lớp lãnh đạo mới“

VOV.VN - "Tôi kỳ vọng vào lớp lãnh đạo mới được lựa chọn ở Đại hội XII và được lựa chọn vào Quốc hội khóa XIV".

Trong thời điểm chuyển giao năm 2015-2016, VOV.VN cùng GS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Xanh - Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội nhìn lại những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế... trong năm qua, đồng thời nhận định về triển vọng, dự báo trong năm 2016. 

PGS.TS Phạm Xanh (trái) và GS Hoàng Chí Bảo (phải) tham gia tọa đàm tại VOV.VN (Ảnh: Quang Trung)

PV: Nhìn lại năm 2015, theo GS Hoàng Chí Bảo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu gì về kinh tế - xã hội?

GS Hoàng Chí Bảo: Năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI và cũng là năm cuối của kế hoạch 5 năm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm. Nhìn lại năm 2015, về mặt kinh tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có thể nói đã tạo ra bức tranh khởi sắc của công cuộc đổi mới của Việt Nam, bên thềm Đại hội XII của Đảng.

Về thành tựu lý luận kinh tế, đây là thời điểm chúng ta đang khẩn trương hoàn thành các văn kiện, dự thảo của Đại hội Đảng XII, trong đó đặc biệt quan trọng là tổng kết 30 năm lý luận và thực tiễn đổi mới đất nước. Trong đó, điểm nhấn là những nhận thức mới của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN.

So với các nhận thức trước đây, trong năm qua, trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã đưa ra được một nhận định quan trọng và tương đối đầy đủ hơn tất cả so với trước về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế vận động theo quy luật của thị trường. Nhận thức này rất mới.

Đây phải là nền kinh tế thị trường phát triển theo trình độ hiện đại và phải có năng lực hội nhập thành công vào quốc tế, nhất là hội nhập về kinh tế quốc tế.
Trong lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN, năm 2015, giới nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn của Đảng để chuẩn bị cho các văn kiện cũng nêu lên được những nhận thức mới về tái cấu trúc kinh tế, tiếp tục vượt qua những điểm nghẽn của phát triển, gồm 3 điểm nghẽn lớn về thể chế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.

Lần này chúng ta tiếp tục khẳng định phải vượt qua những điểm nghẽn đó để tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tập đoàn kinh tế nhà nước, để từng bước đảm bảo phát huy tác dụng của kinh tế nhà nước là chủ đạo. Những thành tựu lý luận như vậy là rất đáng lưu ý.

Về mặt thực tiễn, điểm rõ nét nhất, so với năm 2014 – năm tốc độ phát triển kinh tế giảm xuống mức thấp nhất (chỉ còn 5,03%), năm 2015 đã đạt tới 6 - 6,5%, tạo tiền đề nâng chỉ tiêu phát triển mà Đại hội Đảng XII sẽ bàn thảo. Tôi cho đây là một thành tựu rất lớn. Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy nên chúng ta có điều kiện tốt hơn để giải quyết các vấn đề xã hội, an sinh xã hội.

Tôi muốn nói tới vấn đề giải quyết công ăn việc làm trong các thành phần kinh tế, có sự đóng góp rất lớn của khu vực tư nhân. Chúng ta đã đầu tư kỹ thuật công nghệ mới để làm cho chất lượng tăng trưởng tốt hơn, chứ không chỉ là tốc độ tăng trưởng.

Thứ ba, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng một đất nước trên con đường từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp, tuy rằng đến năm 2020 này, chúng ta khó đạt được nền tảng của một nước công nghiệp hiện đại như văn kiện Đại hội Đảng đã chỉ ra trước đây và lần này Đảng ta cũng sẽ có kiểm điểm, đánh giá lại.

Nhưng phải nói rằng thành tựu đầu tư vào khoa học công nghệ và kinh tế đã làm rất tốt, chưa kể chúng ta đã giải quyết được các mối quan hệ kinh tế quốc tế trong tiến trình hội nhập, cho nên có thể nói năm 2015 là năm khởi sắc trong việc đàm phán, thương thuyết các quan hệ kinh tế với các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế để thu hút thêm vốn đầu tư, nâng cao tiềm lực cạnh tranh của quốc gia.

Một lĩnh vực của kinh tế không thể không nói đến là vấn đề môi trường. Muốn phát triển kinh tế phải cùng giải quyết cân đối vấn đề xã hội, nhưng phải rất chú trọng vấn đề môi trường. Năm qua, chúng ta đã có nỗ lực đầu tư rất lớn để khắc phục thiên tai, những biểu hiện bất bình thường của khí hậu, thời tiết, môi trường để giữ vững được tốc độ tăng trưởng.

Nhờ vậy, hệ quả đạt được là chúng ta đã điều tiết thành công kinh tế vĩ mô và đã giảm tốc độ lạm phát xuống thấp nhất, có điều kiện để nâng cao mức sống thực tế của người dân, thứ nhất là công nhân viên chức nhà nước, những người lao động, tức là làm cho tiền lương danh nghĩa, tiền lương thực tế được giải quyết tốt hơn nhờ tăng trưởng kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho một cuộc cải cách triệt để về tiền lương sắp tới của Đảng và Nhà nước.

PV: Còn ý kiến của PGS.TS Phạm Xanh?

PGS.TS Phạm Xanh: Những thành tích quan trọng chúng ta đã đạt được trên bình diện kinh tế chính là động lực tác động mạnh đến những vấn đề xã hội của đất nước trong năm 2015. Khi nói tới vấn đề xã hội, chúng ta phải nhấn mạnh tới an sinh xã hội của năm 2015.

Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nên về mặt xã hội, an sinh xã hội, có thể nói đã phản ánh toàn bộ vấn đề mà Đảng chú ý. Vì vậy, xã hội chúng ta đã phát triển không chỉ theo đúng quy luật, đồng đều mà cũng rất an toàn. Điểm thứ hai là trật tự xã hội vẫn được đảm bảo, hay những vấn đề lớn của xã hội được quan tâm và giải quyết. Tôi muốn dẫn tới 2 lĩnh vực có đụng chạm tới toàn xã hội đó là vấn đề giáo dục và y tế. Có thể nói đây là 2 vấn đề nhạy cảm nhất của đất nước. 

Về giáo dục, năm 2015, Đảng, Nhà nước cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm mọi cách, mọi biện pháp để can thiệp vào những tồn đọng (như vấn đề tổ chức 1 kỳ thi thay vì 2 kỳ thi trước đây), tuy rằng chưa hoàn chỉnh lắm nhưng đó cũng là bước đi đầu để khắc phục những tồn tại trước đây đang được dư luận quan tâm.

Một vấn đề nữa trong lĩnh vực giáo dục cũng đã thu hút sự chú ý của toàn dân đó là vấn đề dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông. Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thận trọng trong giải quyết vấn đề này nên đã gây ra sự xáo trộn trong xã hội.

Chúng ta biết Lịch sử là môn học, trong giáo dục phổ thông cùng với 5 môn khoa học khác trở thành những môn khoa học cơ bản của xã hội. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khi nghĩ rằng học sinh quay lưng với môn Lịch sử đã có một bước đi vội vàng khi tích hợp môn Lịch sử với các môn khác như Giáo dục công dân, Quốc phòng. Vì vậy, mới có sự phản ứng rất gay gắt. Hội Khoa học lịch sử cùng với Bộ GD&ĐT đã hiệp thương và có những điều chỉnh.

Thứ hai về lĩnh vực y tế. Rõ ràng là chúng ta có rất nhiều bệnh viện nhưng trong môi trường của chúng ta hiện nay không trong sạch nên phát sinh nhiều bệnh tật, đặc biệt các bệnh nan y. Vì vậy, tôi cho rằng, ách tắc lớn nhất ở các bệnh viện chính là quá tải giường bệnh.

Bộ Y tế đã cùng với Nhà nước đang xây thêm những bệnh viện mới, với trang thiết bị mới, hiện đại. Bộ Y tế cũng đã hứa với dân không còn để xảy ra việc quá tải ở các bệnh viện. Tôi cho rằng những bước đi như vậy là rất vững chắc ở hai bình diện có ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội.

PV: Các ông nhận định về triển vọng của đất nước trong năm 2016 như thế nào? Điều gì các ông kỳ vọng và mong muốn nhất?

GS Hoàng Chí Bảo: Năm 2016 đã đến, chúng ta đang ở bên thềm Đại hội Đảng lần thứ XII. Toàn Đảng, toàn dân cũng có rất nhiều kỳ vọng vào năm nay bởi chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, cùng với hơn 10 năm hội nhập với quốc tế. Những kinh nghiệm ấy giúp chúng ta nâng cao nhận thức, và thuần thục hơn trong việc hoạch định chính sách, giải pháp, các cơ chế quản lý.

Hoàn cảnh khách quan thuận lợi từ quốc tế và thế giới cũng như tiềm lực phát triển của quốc gia cho phép chúng ta hy vọng năm 2016 sẽ là năm phát triển theo chiều hướng tích cực, bởi đây cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội XII.

Nghị quyết lần này đã tìm được những điểm đột phá trên 2 lĩnh vực quan trọng của đời sống: Một là tiếp tục đổi mới kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và từng bước đạt tới trình độ đẩy mạnh CNH-HĐH; tiếp tục thành quả của năm 2015.

Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta giải quyết một cách rất căn bản chương trình tam nông (Xây dựng nông thôn mới, Công nghiệp hóa nông nghiệp và Phát triển nông dân) cả về đời sống và chất lượng sống như một chủ thể của xã hội.

Từ năng lực như thế, tạo thành tiềm lực kinh tế của quốc gia cho phép chúng ta trong năm 2016 sẽ tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng của năm 2015 mà còn có thể cao hơn. Hai là chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác các ngoại lực từ bên ngoài, biến ngoại lực thành nội lực, ngoại sinh thành nội sinh để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và văn minh.

Một điểm nữa là năm 2016, Đảng ta trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XII sẽ coi đổi mới chính trị, đổi mới thể chế chính trị, đổi mới hệ thống chính trị cho đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo điều kiện như là lực đẩy của phát triển đối với kinh tế. Trong văn kiện của Đảng đã nhấn mạnh hệ động lực của phát triển, nhất là vấn đề nhân tố con người, vấn đề tiềm năng, vốn người – vốn quý nhất của xã hội, có liên quan đến giải pháp về quốc sách về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Tôi nghĩ rằng năm 2016 chúng ta giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục phát triển kinh tế, nhất là thực hiện mục tiêu xã hội công bằng, tạo ổn định chính trị xã hội để tạo sự đoàn kết, đồng thuận của toàn dân. Nếu chúng ta đạt được điều kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân, phép nước như chúng ta đã từng tổng kết về thành tựu đổi mới, chắc chắn chúng ta sẽ có cơ sở để năm 2016 – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm ta sẽ có bước phát triển tốt đẹp.

Chào 2016 - Niềm tin và Kỳ vọng

VOV.VN - Cùng Báo điện tử VOV nhìn lại năm 2015 và hòa vào không khí đón mừng năm mới 2016 trong cả nước và trên toàn thế giới.

PGS Phạm Xanh: Tôi cho rằng năm 2016, chúng ta sẽ có 2 sự kiện quan trọng: Đại hội lần thứ XII của Đảng và bầu cử Quốc hội. Những sinh hoạt chính trị đó vô cùng quan trọng, cùng xảy ra trong năm 2016 và kỳ vọng lớn nhất của tôi là người dân cầm lá phiếu, đảng cầm lá phiếu để bầu ra những người dẫn dắt đất nước tiếp tục chặng đường dài đưa đất nước tiến trên con đường giàu mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn đề cập tới một khía cạch khá lý thú đó là tham vọng quyền lực của những cá nhân, những cá nhân đó được hiện thực hóa bằng những phiếu bầu của Đảng, của nhân dân vào những cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Chúng ta có quyền kỳ vọng với sự chuẩn bị hết sức chu đáo, cẩn trọng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt đã chỉ ra được những vấn đề của cá nhân, của dân tộc, tức là người đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, còn những người tham vọng quyền lực để phục vụ cho cá nhân mình, nhóm mình cần phải loại bỏ.

Tôi kỳ vọng vào lớp lãnh đạo mới được lựa chọn ở Đại hội XII và được lựa chọn vào Quốc hội khóa XIV, những lớp người đó chắc chắn sẽ trẻ hơn và sức trẻ đó sẽ được thể hiện trong sự sáng tạo khi đưa ra những quyết định sáng suốt cho đất nước để đất nước có thể phát triển hơn nữa theo đường hướng của Đảng đã vạch ra, đó là xây dựng nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Đó là vấn đề vô cùng quan trọng.

PV: Xin cảm ơn các vị khách mời./.

(Còn tiếp)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên